Gây mất tập trung

“Tôi chưa sử dụng nền tảng mạng xã hội nào với tần suất nhiều như dùng TikTok mặc dù tôi mới chỉ biết đến ứng dụng này vào năm ngoái”, Priscilla Villa ở Central Falls (Mỹ) chia sẻ.

Aidan Lablanc, một người dùng khác thừa nhận mình kiểm tra các ứng dụng ít nhất 10 lần một ngày.

Thuật toán đề xuất “kỳ diệu” của TikTok khiến người xem không thể ngừng xem các nội dung, thậm chí nó còn có khả năng “huấn luyện” bộ não người dùng và gây mất tập trung.

Một nghiên cứu dựa trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), đã xem xét các video ngắn ảnh hưởng như thế nào đến bộ não của sinh viên đại học ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét cách bộ não phản ứng với những video chung và những video được cá nhân hóa. Kết quả cho thấy những video phù hợp với sở thích của người xem có thể kích hoạt trung tâm hệ thống thưởng của não.

Hệ thống thưởng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong định hình cảm xúc và điều hướng hành động của con người, có chức năng tạo ra những cảm giác sung sướng và ham muốn.

Tiến sĩ Justin Shleifer là bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Bệnh viện Bradley cho biết: “Chúng ta gần như bị các ứng dụng này điều chỉnh hành vi để có được sự hài lòng ngay lập tức”.

Mặc dù sự hài lòng ngay lập tức nghe có vẻ tuyệt vời, nó có thể gây ảnh hưởng đến não bộ vài giờ sau khi đóng ứng dụng.

Ông Shleifer nói: “Tôi lo rằng trẻ em sẽ gặp khó khăn hơn khi đọc sách nếu chúng đã quá quen với việc nhận được sự thỏa mãn tức thời như khi thực hiện thao tác cuộn TikTok”.

Vấn đề có thể vượt xa hơn việc đọc sách. Trong những trường hợp khác đòi hỏi sự kiên nhẫn, trẻ em có thể khó tập trung vào bất cứ thứ gì không mang lại hiệu quả tức thì.

Thuật toán gây nghiện

Theo một nghiên cứu của Wall Street Journal, TikTok sử dụng thuật toán để cung cấp nguồn cấp dữ liệu cho người dùng. Các video được cá nhân hóa dựa trên nội dung người dùng thả tim và thời lượng xem các video tương tự.

Người dùng xem một người sáng tạo hoặc một thể loại video cụ thể càng lâu thì thuật toán càng đề xuất chính xác các video tương tự lên trang chủ.

Nhiều người dùng cũng thừa nhận, thuật toán khiến họ bị mắc kẹt, nó đã đề xuất nội dung gần như trùng 100% với sở thích của họ.

Một số nhà nghiên cứu lo lắng về tác động tiềm ẩn của thuật toán này đối với sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên. Ví dụ: nếu một trẻ em đang xem video về cách giảm cân hoặc một chủ đề khác có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của chúng, thì điều đáng lo ngại là ứng dụng sẽ tiếp tục đề xuất những video tương tự.

Vào tháng 3, tổng chưởng lý nhiều bang ở Mỹ đã mở một cuộc điều tra nhằm vào TikTok, liên quan đến tác động của nề tảng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em. Cuộc điều tra tập trung vào làm rõ các phương pháp mà ứng dụng đang sử dụng để giữ người dùng cuộn trong thời gian dài và tăng mức độ tương tác.

Trước khi cuộc điều tra đó bắt đầu, TikTok thông báo họ đang tìm một phương thức mới để đa dạng hóa video bằng cách sử dụng hệ thống đề xuất bao gồm nội dung có thể nằm ngoài sở thích người dùng.

Một câu hỏi khác được đặt ra rằng liệu ai đó có thể nghiện mạng xã hội hay không. Máy quét MRI từ Trung Quốc đã phát hiện ra phần nghiện ngập của não bộ được kích hoạt khi xem các video phù hợp với sở thích của họ.

Ông Schleifer không tin rằng có nguy cơ trực tiếp dẫn đến việc nghiện các ứng dụng như TikTok hoặc Instagram, nhưng cho biết càng nhiều trẻ em quen với phần thưởng tức thì, chúng càng khó rời mắt khỏi màn hình điện thoại và đưa ra những lựa chọn lành mạnh.

“Thay vì chống lại mạng xã hội, các bậc phụ huynh nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị của con trẻ và giáo dục chúng về cách tương tác với nền tảng”, ông Schleifer nói.

Người phát ngôn TikTok cho biết công ty đã có những kế hoạch để bảo vệ trẻ em. Ngoài việc cho phép cha mẹ kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị qua tính năng Family Pairing (Ghép nối gia đình), TikTok giảm thiểu thông báo đẩy (push notification) vào buổi tối và chủ động hiển thị lời nhắc trên trang chủ để tạm dừng ứng dụng./.