Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM và Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP HCM (ICDREC – Đại học Quốc gia TP HCM) ngày 7/6 vừa qua đã công bố định giá 21 bộ sản phẩm vi mạch mà ICDREC đã xây dựng được.

Từ nguồn đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013 – 2020, ICDREC đã hình thành các sản phẩm IP có giá trị về mặt thương mại.

dinh_gia_vi_mach_xjxh.jpg
Lễ công bố định giá 21 bộ sản phẩm vi mạch.
Các sản phẩm được định giá gồm các chip vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit và 32 bit; các lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý nhanh; các lõi IP chip Analog và Mix-signal và các sản phẩm được ứng dụng gồm điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm ứng dụng RFID, hệ thống đèn chiếu sáng.

Về hiệu quả đầu tư, nguồn đầu tư nhà nước là 213 tỷ đồng, đến nay giá trị công nghệ ICDREC đang sở hữu là 290 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh số chuyển giao công nghệ đã thực hiện là hơn 68 tỷ đồng, doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ là 31 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm chip của ICDREC đã được ứng dụng vào các sản phẩm cụ thể như điện kế điện tử, modem GSM thu thập dữ liệu từ xa, thẻ và đầu đọc RFID, hệ thống giám sát container, hệ thống quản lý sản xuất PMS, hộp đen xe máy…

Ông Phạm Hồng Bách, Giám đốc Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - cho biết, trong quá trình định giá các sản phẩm của ICDREC, Viện đã không sử dụng bất kỳ một chuyên gia nào có liên quan đến ICDREC để có kết quả khách quan. “Để đánh giá , Viện đã mời 4 chuyên gia về kỹ thuật, 2 thẩm định viên liên quan đến tài chính, vì vậy kết quả định giá là khách quan, chính xác”, ông Bách khẳng định.

Không chỉ giúp Việt Nam ghi tên vào danh sách những nước thiết kế vi mạch của thế giới, những kết quả mà ICDREC đạt được còn góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng để ngày càng nhiều công ty thiết kế vi mạch danh tiếng thế giới đầu tư mở rộng phát triển tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM nêu rõ: Các sản phẩm vi mạch phải được thương mại hóa thì mới sống và tồn tại được. Do đó ICDREC và các đơn vị có liên quan phải cố gắng đẩy mạnh quá trình thương mại hóa các sản phẩm này tốt hơn nữa và cũng là để giúp ngành công nghiệp vi mạch TP HCM phát triển mạnh./.