Ngày 19/4, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức công bố tuyến cáp biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam. Đây là tuyến cáp quang có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway).

Tuyến cáp quang biển ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Singapore – Nhật Bản – Hongkong – Trung Quốc – Phillippines – Việt Nam - Thái Lan, với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.

Cùng với các tuyến cáp quang biển hiện đang khai thác khác, tuyến cáp ADC dự kiến khi đưa vào vận hành khai thác sẽ bổ sung 18Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuyến cáp ADC đáp ứng triển khai các ứng dụng kết nối Internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như: Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR/VR); đồng thời đảm bảo an toàn, dự phòng mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet và các dịch vụ kết nối quốc tế khác của Viettel.

Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – thành viên của Tập đoàn Viettel cho biết: “Sau khi hoàn thành cập bờ, tuyến cáp biển ADC sẽ chính thức được Viettel đưa vào khai thác thương mại trong năm 2023. Qua đó, Viettel khẳng định là đơn vị tiên phong xây dựng và phát triển hạ tầng số tại Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao, ứng dụng các công nghệ 4.0 hiệu quả và đảm bảo an ninh thông tin liên lạc quốc gia”.

Hiện, Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này, như vậy trạm cập bờ tại Quy Nhơn cũng sẽ là trạm cáp biển thứ ba Viettel sở hữu độc quyền.

Giới chuyên gia đánh giá, việc thêm tuyến cáp quang biển mới được đưa vào khai thác sẽ giúp đường truyền trong nước ra quốc tế và ngược lại được đảm bảo thông suốt và ổn định hơn, nhất là khi các tuyến cáp quang biển cũ thường xuyên gặp sự cố như thời gian qua./.