Theo chương trình, các nhà cung cấp dịch vụ có dưới 10 triệu khách hàng cũng như một số trường học, thư viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể tiếp cận nguồn vốn để loại bỏ và thay thế thiết bị và dịch vụ mạng từ Huawei và ZTE trong hệ thống dịch vụ băng thông rộng của họ.

Quỹ được thành lập với số tiền 1,9 tỷ USD, tuy nhiên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết họ đã nhận được yêu cầu hỗ trợ lên đến 5,6 tỷ USD, tức cao gấp 3 lần so với quỹ. Trong thông báo của mình, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel nói với Quốc hội Mỹ rằng: “Chúng tôi đã nhận được hơn 181 đơn đăng ký từ các nhà mạng đã phát triển kế hoạch loại bỏ và thay thế thiết bị có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trong mạng của họ”.

Bà Jessica Rosenworcel nói thêm: “Trong khi chúng tôi còn nhiều việc phải làm để xem xét các yêu cầu này, tôi mong muốn được làm việc với Quốc hội để đảm bảo rằng có đủ tài chính cho chương trình này nhằm thúc đẩy các mục tiêu an ninh của Quốc hội và đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu về bảo mật 5G”.

Trước đó, FCC cho biết việc thay thế các thiết bị cũ hơn có thể không thực hiện được, trong khi các trường hợp như bỏ mạng di động cũ để thay thế bằng thiết bị LTE hoặc 5G sẽ được phép. Mặc dù vậy, đơn vị nhận được tiền sẽ không thể thay thế các liên kết vi sóng hoặc các liên kết không dây cố định bằng các liên kết cáp quang. Ngoài ra, đơn vị nộp đơn có thể yêu cầu cung cấp chi phí đi lại và chi phí lương của các nhân viên phục vụ chương trình thay thế.

Được biết, quỹ của FCC được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2019, trong dó FCC chính thức chỉ định Huawei và ZTE là các mối đe dọa an ninh quốc gia vào tháng 7/2020. Vào tháng trước, FCC đã loại bỏ khả năng cho China Unicom hoạt động tại Mỹ vì lý do an ninh./.