Meituan, Didi, Baidu và nhóm các ông lớn công nghệ của Trung Quốc mới đây xóa bỏ sự hiện hiện trực tuyến của thương hiệu H&M ra khỏi nền tảng của họ, trong bối cảnh dư luận ở Trung Quốc đang dấy lên cuộc tranh cãi trước quan điểm của nhà bán lẻ thời trang đa quốc gia Thụy Điển về việc không dùng bông Tân Cương, theo South China Morning Post.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc không nêu tên bất kỳ công ty cụ thể nào, nhưng cuộc tẩy chay của người tiêu dùng đối với các thương hiệu nước ngoài, bao gồm H&M, Nike, Adidas và Burberry, đang không ngừng lan rộng khắp cả nước như một động thái phản ứng dữ dội đáp lại việc các thương hiệu này tuyên bố từ chối dùng bông Tân Cương.

H&M từ năm ngoái đã trở thành mục tiêu tẩy chay hàng đầu khi bày tỏ lo ngại trước những cáo buộc nhà sản xuất bông ở Tân Cương sử dụng lao động cưỡng bức. Tìm kiếm về “H&M” hầu như không hiển thị kết quả trên các ứng dụng bản đồ, trang thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe và nền tảng giao hàng của Trung Quốc kể từ ngày 26/3. Cụ thể, vào sáng cùng ngày, một đơn đặt hàng thực phẩm giao đến một cửa hàng H&M đã bị gã khổng lồ dịch vụ giao hàng Meituan từ chối. Đặt xe đến cửa hàng H&M trên ứng dụng gọi xe Didi Chuxing cũng không thể thực hiện được vì ứng dụng cho rằng địa chỉ cửa hàng là không hợp lệ.

Hơn nữa, sản phẩm của H&M đã bị chặn mua trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc bao gồm Taobao, JD.com và Pinduoduo. Tại Trung Quốc, nơi dân số internet lớn nhất thế giới chủ yếu dựa vào các dịch vụ trực tuyến để mua sắm, ăn uống, học tập, đi lại, việc mất quyền truy cập vào các nền tảng này đồng nghĩa với việc H&M bị cắt khỏi một trong những kênh giao tiếp quan trọng nhất với người tiêu dùng đại lục.

Tuy nhiên, việc tẩy chay không ảnh hưởng đến các tài khoản mạng xã hội chính thức cùng với phiên bản trang web tiếng Trung của H&M. Chúng vẫn còn hiện diện trên ứng dụng đa năng WeChat của Tencent Holding và Weibo.

Cách đây hai ngày, H&M đã đưa ra một tuyên bố trên Weibo, nói rằng cam kết của công ty về “hành vi kinh doanh có trách nhiệm không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào”, công ty “tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc và cam kết đầu tư, phát triển lâu dài tại thị trường này”.

Song, một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc không bị thuyết phục về sự chân thành từ phản hồi mới nhất của H&M. “Vui lòng ra khỏi thị trường Trung Quốc và đừng có hành động như thế này”, hoặc “chúng tôi đang chờ các cửa hàng thực của bạn đóng cửa”, là những bình luận được nhiều người bình chọn nhất xuất hiện trong tuyên bố trên Weibo của thương hiệu thời trang Thụy Điển.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng quay lưng lại với các thương hiệu quốc tế khác, bao gồm Nike, Adidas và Burberry, sau khi họ đưa ra những tuyên bố tương tự về tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Nhưng cho đến nay, các công ty này vẫn còn hiện diện trên các nền tảng công nghệ của Trung Quốc./.