Tốc độ mà thiết bị 6G nói trên của Nhật Bản cũng nhanh hơn gấp 500 lần so với tốc độ tải về mà smartphone 5G thông thường đạt được. Được biết, DOCOMO, NTT Corporation, NEC Corporation và Fujitsu đã phát triển thiết bị này từ năm 2021, với mỗi công ty chịu trách nhiệm về các thành phần nghiên cứu và phát triển khác nhau.

Mặc dù khoảng cách truyền dẫn hiện tại còn hạn chế và thử nghiệm chỉ trong phạm vi 100 mét nhưng dự kiến ​​khi công nghệ tiến bộ, kích thước và giá thành của thiết bị sẽ giảm.

Với người tiêu dùng, khi nói đến 6G, tốc độ kết nối của nó về cơ bản sẽ nhanh hơn rất nhiều so với 5G. Hiện tại, ngành công nghiệp nhìn chung tin rằng khả năng liên lạc của 6G sẽ gấp 10 lần so với 5G. Các chuyên gia công nghệ cho rằng, mạng 6G sẽ mở rộng hơn nữa từ việc phục vụ con người, internet vạn vật (IoT) sang hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa các tác nhân thông minh. Hơn nữa, mạng 6G sẽ giúp làm cho video 3D trở nên sống động hơn và hiện thực hóa sự tích hợp giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và con người.

Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia bắt tay sớm vào việc nghiên cứu phát triển mạng 6G. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chủ tịch Viện Nghiên cứu Di động Trung Quốc, Huang Yuhong, cho biết quốc gia này đang nghiên cứu một số công nghệ chính và phát triển một số nguyên mẫu phục vụ mạng 6G. Theo kế hoạch, tiêu chuẩn 6G sẽ được Trung Quốc hoàn thành vào năm 2029 trước khi triển khai mạng 6G đến thị trường sau đó một năm.

Thông báo của Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc về chất lượng dịch vụ viễn thông trong quý 4/2023 cho thấy tốc độ tải file trung bình của người dùng smartphone 5G vượt quá 144Mbps, độ trễ gói đầu tiên trung bình đối với người dùng băng thông rộng cố định khi truy cập các trang web là 0,08 giây và độ trễ phát lại trung bình lần đầu tiên để xem video là 0,55 giây.