Số phận của TikTok tại Mỹ sẽ được định đoạt trong ngày hôm nay (27/9) sau phiên điều trần trước tòa án liên bang Mỹ. Các thẩm phán sẽ quyết định liệu ứng dụng truyền thông xã hội ăn khách nhất của Trung Quốc này có được phép tiếp tục hoạt động tại Mỹ, hay sẽ bị “cấm cửa” như quyết định dự kiến có hiệu lực vào nửa đêm hôm nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Phiên điều trần diễn ra dưới sự chủ trì của Thẩm phán Carl Nichols theo yêu cầu của công ty “mẹ” ByteDance (Trung Quốc) của TikTok nhằm ngăn chặn lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump dự kiến có hiệu lực vào 23h59 ngày 27/9 theo giờ Mỹ. Các luật sư dự kiến sẽ tranh luận, sau đó thẩm phán sẽ đưa ra quyết định xem có nên bảo toàn sắc lệnh của Tổng thống, cho đến khi vụ kiện về lệnh cấm được giải quyết hay không.
Trước đó, ngày 19/9, một thẩm phán tòa án liên bang ở thành phố San Francisco)đã ban hành lệnh cấm sơ bộ, nhằm ngăn chặn một lệnh tương tự của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng WeChat của công ty Tencent cũng của Trung Quốc.
Lệnh cấm trước đó cũng đã được Bộ Thương mại Mỹ lùi lại 1 tuần, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán theo yêu cầu của Tổng thống Trump về tái cơ cấu giữa TikTok và 2 công ty của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại ứng dụng TikTok sẽ gây ra những lo ngại đối với an ninh quốc gia và tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi thỏa thuận cho phép tập đoàn ByteDance giữ lại các quyền kiểm soát đối với ứng dụng này.
“Họ đang làm việc để xem liệu có thể đạt được một thỏa thuận hay không. Và nếu thành công, họ sẽ phải đưa thỏa thuận cho tôi và khi đó tôi sẽ quyết định có đồng ý hay không. Với tôi, an ninh vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu và chúng ta hãy chờ xem họ có làm đươc điều đó hay không?”, Tổng thống Trump nói.
Nếu thẩm phán ủng hộ quyết dịnh của Tổng thống Donald Trump cấm TikTok, người dùng tại Mỹ sẽ không thể tải ứng dụng truyền thông ăn khách nhất thế giới này bắt đầu từ 23h59 phút ngày 27/9 theo giờ Mỹ (tức trưa 28/9 theo giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, thẩm phán cũng có thể lật lại vụ việc như đối với WeChat cách đây 1 tuần, với lý do lệnh cấm có thể vi phạm Tu chính án thứ nhất của Mỹ và kéo theo đó là nguy cơ đối đầu giữa hai cơ quan hành pháp và tư pháp. Các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng về một thỏa thuận vào phút chót giữa chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm và công ty mẹ của TikTok là ByteDance.
Có thể nói, TikTok đã thực sự trở thành một mặt trận mới trong cuộc chiến không hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm giành quyền thống trị lĩnh vực công nghệ cao. Bộ Tài chính Mỹ mới đây cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán tái cơ cấu giữa TikTok và các công ty Mỹ không đạt kết quả, một lệnh cấm toàn diên đối với các hoạt động của TikTok trên lãnh thổ Mỹ có thể có hiệu lực ngay từ ngày 12/11 tới.
Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ khi gọi đây là một hành vi bắt nạt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ những quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, ngừng chính trị hóa hợp tác kinh tế và thương mại thông thường, nhằm cung cấp một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ”./.