Theo khảo sát của Tập đoàn IDG, chất lượng dịch vụ băng thông di động của Việt Nam ngày càng được nâng cấp tốt, thể hiện ở con số 70% khách hàng cảm thấy hài lòng về chất lượng dịch vụ này trong năm 2020. Trong khi con số này chỉ là 55% năm 2019 và 27% năm 2018.

Hoạt động trực tuyến gia tăng đột biến

Còn đối với dịch vụ băng thông cố định (kéo cáp quang), 48% số khách hàng được hỏi thấy hài lòng về dịch vụ trong năm 2020, chỉ tương đương với con số hài lòng năm 2018 và bị giảm sút so với con số 59% năm 2019. Đáng chú ý, năm 2020 có tới 31% khách hàng cảm thấy không hài lòng với chất lượng mạng cố định, trong khi con số này của năm 2019 là 2% và 2018 là 9%.

su_hai_long_khi_dung_mang_xdas.png
Năm 2020, có tới 31% khách hàng cảm thấy không hài lòng với chất lượng mạng cố định. (Nguồn: IDG)

Lý giải tình trạng này, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG ASEAN cho rằng, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhu cầu học hành, làm việc, giao lưu trực tuyến… gia tăng đột biến cả trong nước lẫn từ trong nước ra quốc tế và ngược lại.

“Tỷ lệ khách hàng không hài lòng và rất không hài lòng của năm 2020 tăng vọt lên 31% trong khi ở năm 2018-2019 là 0%. Điều này cũng dễ hiểu. Đó là khi nhu cầu tăng đột biến mà chăm sóc khách hàng không tốt, giá cả, tốc độ hay chất lượng dịch vụ không tốt… thì dễ khiến khách hàng than phiền trong dịp này”, ông Lê Thanh Tâm cho hay.

Cũng theo khảo sát của IDG, thời gian sử dụng mạng 4G năm 2020 ghi nhận sự gia tăng đáng kể, trong đó, năm 2020, có đến 23% số người sử dụng mạng 4G vào thời gian nghỉ trưa, trong khi năm 2018-2019, thời gian sử dụng tập trung vào buổi tối.

Điều này cho thấy ý thức bảo mật an toàn thông tin của người dân cũng có có chuyển biến đáng kể khi sử dụng mạng riêng (3G-4G) thay vì sử dụng mạng wifi công cộng.

Kiểm định tầm nhìn viễn thông

Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), dịch Covid-19 không chỉ tạo cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia nói chung, cơ hội cho viễn thông nói riêng mà còn là phép kiểm định tầm nhìn viễn thông của Việt Nam có đúng hay không.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm.

“Nền kinh tế số, xã hội số cùng các ứng dụng số đều vận hành dựa trên một hạ tầng số. Do vậy, mục tiêu xuyên suốt trong thời gian tới của ngành TT&TT là phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, có khả năng giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.  

Công nghệ 5G đang được Chính phủ quan tâm và đặt trọng tâm thúc đẩy phát triển thông qua kiến tạo các chính sách thuận lợi và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, phát triển công nghệ 5G nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng và dịch vụ thông tin băng rộng của Việt Nam. Bên cạnh chính sách phát triển hạ tầng vật lý, các chính sách về quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công nghệ số trên hạ tầng số đang được Bộ TT&TT nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung thường xuyên để theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội.

“Đối với những mô hình kinh doanh mới có liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa được luật pháp quy định rõ ràng, Bộ TT&TT đang tích cực đề xuất cho phép triển khai thử nghiệm. Theo hướng này, Bộ TT&TT đang thúc đẩy xu hướng Đề án thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua hợp tác nghiên cứu chính sách Mobile Money với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)”, Thứ trưởng Phan Tâm nêu rõ.

Bộ TT&TT đang nghiên cứu, chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia với kỳ vọng sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp./.