Tháng 8 tới, nhân viên robot kangaroo của nhà sản xuất robot Telexistence sẽ được đưa vào thử nghiệm tại một cửa hàng tiện lợi của FamilyMart ở Nhật Bản với nhiệm vụ xếp sandwiches, đồ uống, thức ăn đóng sẵn lên kệ hàng. Nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart cho biết, họ dự định sẽ mở rộng việc sử dụng nhân viên robot tại 20 cửa hàng quanh Tokyo vào năm 2022.

Hình dáng bên ngoài của robot được thiết kế giống như chú chuột túi được cho là giúp người mua hàng cảm thấy thoải mái hơn thay vì những robot trông quá giống con người.

Giám đốc điều hành Telexistence Jin Tomioka cho biết: “Chúng tôi đã thay đổi ý tưởng và cố gắng phát triển ra loại robot trông không quá giống con người, mà thay vào đó là robot giống động vật hay một thứ gì đó trông ưa nhìn, để mọi người không bị giật mình khi thấy chúng giống người thật quá. Điều này cũng nhằm mục đích để không ai cảm thấy khó chịu khi ở cùng một không gian với robot”.

robot1_ihaa.jpg

Nhân viên robot tự động hóa trong ngành bán lẻ nhà sản xuất robot Telexistence.

Hiện tại, FamilyMart vẫn sẽ cần con người điều khiển robot. Ban đầu nhân viên cửa hàng sẽ vận hành robot từ xa cho đến khi trí thông minh nhân tạo (AI) của máy móc có thể học bắt chước theo chuyển động của con người và không cần đến người "chỉ dẫn" nữa.

Tại Nhật Bản, ở phương diện nào đó, các robot có thể phát huy khả năng vượt trội con người, như trong các nhà máy sản xuất, song chúng vẫn gặp khó khăn trong các nhiệm vụ đơn giản ở môi trường đô thị phức tạp. Vì vậy việc Telexistence đưa vào thử nghiệm robot phục vụ cho chuỗi cửa hàng tiện lợi của FamilyMart cũng nhằm mục đích phát động làn sóng tự động hóa trong ngành bán lẻ, mà xa hơn là giải quyết bài toán thiếu nhân công tại các quốc gia già hóa nhanh chóng như Nhật Bản. 

Ngoài ra, Telexistence còn đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là trong tương lai không xa sẽ đưa robot tập đoàn này phát triển vào vận hành trong các bệnh viện của Nhật Bản, để robot trở thành trợ thủ đắc lực cho các y bác sĩ trong các hoạt động phẫu thuật từ xa./.