Tại Hội nghị dành cho các nhà phát triển WWDC diễn ra vào tuần trước, Apple đã nhấn mạnh rằng hãng đã chi trả 70 triệu USD cho các nhà phát triển từ doanh thu của các ứng dụng đang được phát hành trên App Store, tuy nhiên có vẻ như không phải toàn bộ số tiền này đều kiếm được một cách hợp pháp.

ung_dung1_ujjp.jpg
Ứng dụng có tên gọi “Touch ID” buộc người dùng phải trả 99,99USD cho 7 ngày sử dụng, dù không hề có chức năng cụ thể nào.

Một chuyên gia đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng một số ứng dụng mang về cho tác giả của chúng số tiền lên đến hàng chục ngàn USD mỗi tháng dù không có tác dụng thực sự nào.

Trong một bài phân tích kỹ càng được chia sẻ trên trang web Media, Johnny Lin, một nhà phát triển từng làm việc tại Apple, đã thử phân tích và cài đặt một số ứng dụng có doanh thu hàng đầu trên App Store để tìm ra câu trả lời vì sao các ứng dụng này lại mang về doanh thu lớn đến như vậy cho nhà phát triển.

Johnny Lin đã phát hiện ra rằng những kẻ lừa đảo đã lợi dụng dịch vụ quảng cáo sản phẩm mới của Apple cũng như chức năng mua hàng trong ứng dụng để kiếm tiền thông qua các ứng dụng do chúng phát hành trên App Store. Những kẻ lừa đảo xây dựng các ứng dụng với tuyên bố rằng mang lại các chức năng hữu ích cho người dùng, như ứng dụng diệt virus hay ứng dụng tạo mạng riêng ảo (VPN)... nhưng thực tế chúng không hề có một chức năng thực sự nào.

Bằng cách mua một vài quảng cáo trong kết quả tìm kiếm sản phẩm cũng như sử dụng một chút thủ thuật để tối ưu nội dung tìm kiếm, những kẻ lừa đảo này đã có thể đưa ứng dụng của mình hiện lên hàng đầu trong kết quả tìm kiếm mỗi khi người dùng tìm kiếm một ứng dụng nào đó trên App Store.

Những kẻ lừa đảo này thậm chí còn tìm cách giả mạo các đánh giá cho ứng dụng của mình để các ứng dụng luôn được đánh giá cao, có nhiều sao... để tạo được lòng tin cho người sử dụng, từ đó lừa họ cài đặt các ứng dụng lên thiết bị của mình.

“Những kẻ lừa đảo đang lợi dụng chúc năng quảng cáo tìm kiếm sản phẩm còn tương đối mới và còn non nớt của Apple trên App Store”, Johnny Lin nhận xét. “Không có quy trình lọc hoặc phê duyệt cho quảng cáo, hầu như không thể phân biệt được giữa kết quả tìm kiếm thực sự và quảng cáo và một số quảng cáo chiếm toàn bộ trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm”.

Các ứng dụng này về cơ bản cho phép người dùng cài đặt miễn phí, tuy nhiên sau khi cài đặt, trong quá trình sử dụng, nếu không chú ý, người dùng sẽ vô tình đồng ý chi trả những khoản chi phí để đăng ký các chức năng mở rộng trên ứng dụng, dù trên thực tế các chức năng này hoàn toàn vô dụng hay thậm chí không hề có chức năng mở rộng nào.

Đáng chú ý trong số các ứng dụng được Johnny Lin thử nghiệm và phát hiện thấy không hề có tính năng thực sự nào có ứng dụng với tên gọi “Mobile protection :Clean & Security VPN” thuộc về nhà phát triển ứng dụng có tên “Ngan Vo Thi Thuy”, nhiều khả năng là một ứng dụng có nguồn gốc tại Việt Nam.

Chỉ cần để ý một chút có thể nhận thấy ứng dụng này có cách đặt dấu sai (vị trí của dấu “:” trong tên gọi bị đặt sai), phần giới thiệu về ứng dụng hết sức sơ sài, tuy nhiên ứng dụng lại nhận được rất nhiều đánh giá tốt từ phía người dùng, với những nội dung đánh giá chung chung như “Rất tốt”, “Giúp cho thiết bị của tôi chạy tốt hơn”...

Ứng dụng này cho phép người dùng cài đặt miễn phí, tuy nhiên sau đó sẽ thu phí người dùng để sử dụng các chức năng mở rộng (dù trên thực tế không hề có chức năng mở rộng nào) và đặc biệt sau khi trả phí, người dùng vẫn chỉ có thể sử dụng trong một thời gian ngắn và ứng dụng sẽ tự động trả thêm tiền cho ứng dụng để gia hạn bản quyền ứng dụng mà không cần sự cho phép của người dùng. Nghĩa là nếu vô tình cho phép ứng dụng thu phí, người dùng sẽ liên tục mất phí vì ứng dụng này mà không hay biết.

Theo ước tính của Johnny Lin, chỉ cần khoảng 200 người dùng vô tình đồng ý chi trả những khoản phí này, tác giả đứng sau ứng dụng lừa đảo này có thể kiếm được khoảng 80.000USD mỗi tháng (tương đương 1,8 tỷ đồng) và thậm chí lên đến 960.000USD mỗi năm.

Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào để những kẻ lừa đảo có thể đưa ứng dụng của mình lên App Store khi mà Apple thường có một cơ chế phê duyệt nghiêm ngặt với những ứng dụng đưa lên kho ứng dụng của mình, trong khi những ứng dụng này thường không có chức năng cụ thể và nội dung giới thiệu rất sơ sài.

Với những người dùng đã vô tình nhấn đăng ký trả phí cho những ứng dụng lừa đảo này có thể liên hệ với Apple vì “quả táo” có chính sách hoàn tiền đã chi trả trong ứng dụng cho người dùng. Ngoài ra người dùng cũng nên báo cáo về các ứng dụng lừa đảo để Apple có thể xóa bỏ chúng kịp thời khỏi App Store./.