Máy làm đá tuyết từ nước biển công suất 1.250 kg/24h được Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam nghiên cứu và chế tạo vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ trong lĩnh vực thủy sản. Sản phẩm đã được thử nghiệm thực tế tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.

vov_may_lam_da_tu_nuoc_bien_orms.jpg
Máy làm đá từ nước biển có thể hỗ trợ ngư dân bảo quản hải sản.

Xuất phát từ thực tế quá trình khai thác hải sản, việc bảo quản còn nhiều hạn chế do công nghệ lạc hậu, ngư dân phải sử dụng một lượng đá nước ngọt lớn để bảo quản. Đá được mang đi từ đất liền, có thể được xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh bảo quản trên tàu.

Nhiệt độ làm lạnh bằng đá nước ngọt theo phương pháp truyền thống thường cao và không thể điều chỉnh, không đồng đều trong một khoang lạnh, tốc độ làm lạnh chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản; Tinh thể đá sau khi xay có cạnh rất sắc và có thể làm trầy xước hải sản khi ủ, làm giảm chất lượng của sản phẩm.

Những con tàu ra biển phải trữ sẵn một khối lượng lớn đá nước ngọt (từ vài chục đến cả trăm tấn đá) cũng làm tăng chi phí xăng dầu và nhân công trong mỗi chuyến đi biển. Thêm vào đó, lượng đá hao hụt theo thời gian khiến các tàu khó có khả năng bám biển dài ngày vì không đủ đá ướp cho số hải sản đánh bắt được.

Theo ông Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), địa phương là một trong tám ngư trường lớn của cả nước, vì thế việc phát triển nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá rất quan trọng. Trong khi đối với Bạch Long Vĩ, việc sản xuất đá phục vụ đánh bắt rất khó khăn do thiếu nước ngọt.

"Nhiều tàu đã phải bỏ ngư trường chạy về khu vực trung chuyển để bán ngay số hải sản vừa đánh bắt được vì hết đá. Điều này gây khó khăn, tốn kém cho bà con ngư dân", ông Tuệ cho hay.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm phát triển công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển lắp đặt ngay trên tàu để phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ, khắc phục được những hạn chế của phương pháp bảo quản truyền thống.

Thạc sỹ Lê Văn Luân, Trung tâm phát triển Công nghệ cao, Chủ nhiệm đề tài cho biết, cái khó khăn nhất khi nghiên cứu chế tạo máy làm đá tuyết là phải tạo được một thiết bị không chỉ chịu được sự ăn mòn của nước biển mà còn phải nhỏ gọn để đặt được lên các con tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam.

"Hầu hết tàu đánh bắt cá của Việt Nam có kích thước và công suất không lớn, diện tích mặt boong tàu rất nhỏ. Vấn đề là làm sao thiết kế có thể đặt gọn gàng lên tàu. Ngoài ra, việc vận hành là một đặc thù khó khăn buộc chúng tôi phải đơn giản hóa tối đa, cải tiến tự động hóa cao nhất chứ không thể như công nghệ nhập ngoại", Thạc sỹ Lê Văn Luân chia sẻ.

Điểm khác biệt quan trọng của đá làm từ nước biển so với đá nước ngọt truyền thống chính là công nghệ này đã cho ra sản phẩm là đá dạng tuyết, về mặt hình thái, đá lỏng là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ  - 6oC đến -2oC, trạng thái chuyển tiếp giữa pha lỏng và pha rắn nên có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu.

Buồng điều khiển giúp lựa chọn dải nhiệt độ làm đá.

Thời gian cho ra sản phẩm đá lỏng cũng rất ngắn, chỉ khoảng 1 đến 2 phút tính từ lúc khởi động hệ thống, trong khi sự tan chảy của đá lỏng lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt. Độ đậm đặc của đá lỏng cũng có thể được điều chỉnh một cách tự động theo nhu cầu của người sử dụng.

Ông Ngô Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Trường, một trong những đơn vị tham gia thử nghiệm sử dụng máy làm đá tuyết từ nước biển đánh giá, sản phẩm đá tuyết được làm ra có chất lượng sạch, tiết kiệm lượng lớn chi phí cho doanh nghiệp hơn nhiều so với sử dụng đá cây nước ngọt.

"Trước đây chúng tôi thường sử dụng đá cây và có máy xay đá trên tàu. Tuy nhiên phải vận chuyển từ đất liền ra thì hao hụt rất lớn, ít nhất là 30%, chưa kể đến chi phí xăng dầu chuyên chở nặng... Có nhiều trường hợp thời tiết kém thuận, không đánh bắt được thì lại phải chở đá không về. Sử dụng đá tuyết rất tiện lợi và tránh được những vấn đề đó xảy ra", ông Phương cho hay.

Thành công của đề tài nghiên cứu, công nghệ làm đá từ nước biển được đánh giá có tính thực tiễn cao, phục vụ các hoạt động bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ đặc biệt là trong công tác đánh bắt và bảo quản cá ngừ chất lượng cao, khi mà sản phẩm đá tạo ra có chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm nhập ngoại, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tính cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới.

Được biết, trong thời gian tới các nhà khoa học thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao, Viên Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm ở dải năng suất lớn hơn từ 2000 tới 10.000kg/24h đồng thời tiến hành nghiên cứu và chế tạo máy làm đá lỏng kết hợp đá vẩy trên cùng một hệ thống để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của ngư dân.

Khai thác xa bờ là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển ngành thủy sản. Sản lượng thủy sản của nước ta hiện khoảng 6,56 triệu tấn, trong đó hơn 3 triệu tấn là khai thác.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau khai thác thủy sản ở Việt Nam chiếm 20-30% sản lượng khai thác, tương đương 700.000 tấn hải sản/năm, với giá trị ít nhất 14.000 tỷ đồng./.