Với mục tiêu trở thành một trong những cường quốc kinh tế kỹ thuật số trên thế giới và nằm trong top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045, Indonesia đã sớm xác định mạng kết nối 5G sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thu hẹp khoảng cách phát triển số và thúc đẩy nền kinh tế. Chính phủ nước này đã lên kế hoạch chiến lược để thúc đẩy công nghệ 5G để có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới, trong đó có Indonesia phải thay đổi để thích nghi với hoạt động trực tuyến.

Lộ tình xây dựng mạng 5G tại Indonesia

Từ năm 2017 đến năm 2019, Indonesia đã tiến hành 10 thử nghiệm ứng dụng mạng 5G. Việc này được thực hiện nhằm nghiên cứu tiềm năng của các ứng dụng khi sử dụng các dịch vụ 5G do Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, ông Johnny G Plate cho biết: “Các hình thức thử nghiệm do chính phủ thực hiện bao gồm: học từ xa thông qua tương tác ba chiều, Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) cho thành phố thông minh và xe tự vận hành trong ASIAN Games 2018”.

Vào năm 2020, chính phủ đã xây dựng “Nhóm đặc nhiệm 5G” nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện mạng 5G vào năm 2021. Lực lượng này đã bắt đầu đợt thử nghiệm thứ 11 để khám phá khả năng cùng tồn tại giữa mạng 5G và Dịch vụ vệ tinh cố định (FSS), sử dụng ở băng tần 3,5 GHz. Bên cạnh đó, Indonesia đang cố gắng sử dụng tối ưu “Truyền vi sóng” như là lựa chọn thứ hai sau cáp quang.

Hiện tại, chính phủ Indonesia đã xây dựng hơn 348.000 Km đường cáp quang trên đất liền và dưới biển và hơn 500.000 trạm thu phát sóng (BTS), sử dụng 9 vệ tinh để đáp ứng nhu cầu trong nước về kết nối. Theo Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia, bắt đầu từ năm 2021, một số nhà cung cấp di động địa phương ở Indonesia sẽ bắt đầu sử dụng 5G, với hy vọng rằng sẽ có các phổ tần và các băng tần mới nhanh hơn.

Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin đã mở một cuộc đấu giá việc sử dụng tần số 2.3GHz cho mục đích tổ chức các mạng di động, nhằm khuyến khích việc áp dụng 5G.  Ngoài ra, Indonesia cũng có kế hoạch phóng “Vệ tinh thông lượng cao  SATRIA-1 150 Gbps” vào quý 3 năm 2023.

4 trụ cột tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số

Để làm được điều này, Indonesia đã đề ra 4 trụ cột hỗ trợ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. Trụ cột đầu tiên là triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn và bao trùm hơn. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, Johnny G. Plate thừa nhận, sự ra đời của mạng 5G diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực mở rộng vùng phủ sóng 4G ở Indonesia, vốn chưa được phân bổ đồng đều trong toàn khu vực. Vì vậy ngân sách quốc gia năm 2021 của Indonesia lần đầu tiên đã dành hơn 26 nghìn tỷ Rp để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.

Trụ cột thứ hai là tăng cường hiểu biết kỹ thuật số và nguồn nhân lực như một phương tiện để nâng cao và đào tạo lại các tài năng kỹ thuật số của Indonesia.

Trụ cột thứ ba là việc áp dụng công nghệ hỗ trợ và bốn luật chính trong lĩnh vực công nghệ truyền thông-thông tin, trong đó có việc hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ Indonesia mới đây đã phê chuẩn Tạo việc làm, theo đó cho phép các nhà khai thác viễn thông chia sẻ phổ tần cho các công nghệ tiên tiến như 5G như một bước đột phá lớn để hỗ trợ môi trường kỹ thuật số toàn diện và cạnh tranh. cũng như khuyến khích sự ra mắt của mạng 5G ở Indonesia.

Trụ cột cuối cùng tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Indonesia về chủ quyền dữ liệu. Tất cả các trụ cột và nguyên tắc này được coi là quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số có lợi ở Indonesia.

Dự kiến, Thủ phủ nhà nước mới của Indonesia dự kiến đặt tại Đông Kalimantan, sẽ là thành phố ứng cử viên tiềm năng và tốt nhất để triển khai 5G đầu tiên của Indonesia. Với các nhà máy thông minh và thủ đô mới dựa trên trí tuệ nhân tạo Kalimantan và các doanh nghiệp nông nghiệp dựa trên kỹ thuật số, đến Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) công nghiệp, Indonesia có tiềm năng trở thành thị trường 5G lớn nhất Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Viện công nghệ Bandung, nếu 5G được phát hành tại Indonesia trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, công nghệ này có thể tăng thêm 2,8 triệu tỷ Rp (tương đương 197,96 tỷ USD) cho nền kinh tế Indonesia vào năm 2030 và tạo ra 4,4 triệu việc làm cho người dân Indonesia trong thập kỷ tới./.