Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có tới 80% số người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp thông tin về số điện thoại của mình ở siêu thị, các cửa hàng và đặc biệt là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Trong số đó, không nhiều người biết rằng những thông tin mà họ cung cấp có thể trở thành phương tiện để kẻ lừa đảo trục lợi.

Nhiều phiền toái

Là người thường xuyên mua hàng trên các kênh bán hàng qua tivi, bà T dễ dàng cung cấp số di động, địa chỉ nhà riêng để nhận hàng tại nhà, mà không ngờ rằng các thông tin đó của mình lại bị bên thứ 3 biết được.

Với cuộc gọi đến từ số 09062260xx, bà T nhận được thông báo trúng thưởng 1 cặp vé đi du lịch nước ngoài, cùng với nhiều giải thưởng có giá trị cao. Qua trao đổi điện thoại, nhận thấy bà T còn bán tín bán nghi, nhân viên tự xưng danh là thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng nhà mạng mà bà đã dùng từ nhiều năm nay, còn đọc vanh vách địa chỉ mới của bà và ân cần rằng: “Nếu bà không đến được, nhà mạng sẽ đưa xe đến đón bà đi nhận quà…”.

lua2_fpex.jpg
Nhiều chiêu trò lửa đảo từ mạng xã hội. Ảnh minh họa: KT

Sau khi được các con, cháu giải thích, bà T hiểu rằng, số điện thoại nhà mạng mà bà sử dụng được đăng ký theo địa chỉ nhà cũ, không thể nào nhà mạng lại có thể biết được địa chỉ mới của bà, khi đó bà T mới tin rằng đấy chỉ là chiêu trò lừa đảo.

Tuy nhiên, với số điện thoại được cung cấp, phóng viên đã gọi cho đối tượng giả danh nhà mạng thông báo trúng thưởng, nhưng phải sau hàng chục cuộc gọi liên tục bị dập máy, một giọng nữ mới bắt máy và sau khi được hỏi thông tin về việc đi nhận giải thưởng của bà T, câu trả lời chỉ là “bạn đã nhầm máy”.

Lộ thông tin cá nhân đang đem tới cho chủ thuê bao điện thoại rất nhiều phiền toái. Khi hỏi bất kì ai đang sử dụng điện thoại di động rằng, đã bao giờ họ nhận được tin nhắn quảng cáo trên điện thoại, hay trên các mạng xã hội hay chưa thì câu trả lời là thường xuyên và những loại tin nhắn không mời này khiến họ khá bực mình.

Những thông tin quảng cáo đến điện thoại bằng tin nhắn, cuộc gọi của các đơn vị chăm sóc khách hàng hay quảng cáo gợi ý trên Internet… vẫn đang làm phiền người sử dụng  mới chỉ là rủi ro, mà họ có thể “từ chối” bằng cách không xem tin nhắn, không nghe cuộc gọi, hoặc nhấn nút “Bỏ qua quảng cáo” sau vài giây.

Thế nhưng, có những “rủi ro” mà người sử dụng không thể "từ chối”, mà không biết rằng đó chính là xuất phát từ những hành vi trong quá trình sử dụng các dịch vụ, các ứng dụng trên Internet của bản thân. Bởi vì, tất cả những thông tin, hình ảnh, các hoạt động trên các mạng xã hội, các ứng dụng, các trò chơi trực tuyến… đều có thể lưu lại dấu vết của người sử dụng.

Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng CSO nhận xét, mối quan hệ giữa mạng xã hội và xã hội thật là tương hỗ với nhau, phát triển không ngừng và đồ thị xã hội là phát triển vô hạn, không ngừng biến đổi theo các mối quan hệ của người dùng. Trong khi đó, đồ thị xã hội lại là 1 kho dữ liệu có giá trị rất lớn và có khả năng phục vụ cho rất nhiều mục đích có cả mục đích tốt lẫn mục đích xấu.

Chế tài nào xử lý?

Không chỉ gặp rủi ro vì thông tin cá nhân bị thu thập trên mạng xã hội, các trang web bán hàng trực tuyến,… giờ đây tội phạm mạng có thể lợi dụng các thông tin cá nhân của người sử dụng để lừa đảo. Hàng loạt vụ lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại bằng cách rất đơn giản là người được nhận thưởng phải nộp trước một khoản tiền thuế thu nhập không thường xuyên… vậy mà vẫn rất nhiều người bị sập bẫy, vì tin sẽ được nhận phần thưởng có giá trị cao.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo, việc các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo trong thời gian vừa qua có diễn biến vô cùng phức tạp. Trong đó tập trung chủ yếu và các loại hình lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn rác từ các số điện thoại lừa đảo; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam.

“Hình thức lừa đảo nhắn tin trúng thưởng đề nghị chủ thuê bao nộp một số tiền để sau đó được nhận phần thưởng được các đối tượng áp dụng triệt để”, Đại tá Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Nhiều kẻ lừa đảo trên mạng còn sử dụng ảnh thật của người dùng mạng xã hội, tạo nên những tài khoản giả mạo để lừa lại chính những bạn bè, người thân của họ. Thậm chí từ những thông tin trên ảnh như tên của con, tên trường học, khu nội trú, thẻ xe đưa đón con ở trường, tuyến xe chạy… cũng có thể trở thành những thông tin hữu ích đối với tội phạm mạng nếu như người sử dụng vẫn đăng tải công khai trên mạng xã hội. Tội phạm mạng có thể sử dụng để tống tiền, bắt cóc, hoặc đe doạ, nói xấu hoặc phỉ báng người sử dụng.

Một hành vi nguy hiểm nữa là tội phạm mạng lấy trộm thông tin cá nhân, thậm chí cả những clip riêng tư trong máy điện thoại, máy tính cá nhân bằng hàng loạt phần mềm nghe lén, hoặc gửi tới người dùng những đường link nhiễm mã độc, virus…để truyền bá những thông tin xấu độc, cùng với những tin tức giả mạo, những phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục,… thậm chí dẫn đến nhiều cái chết oan uổng.

Trong khi đó, mặc dù đã có quy định bảo vệ bí mật riêng tư, nhưng phạm vi quyền riêng tư là gì thì lại là vấn đề chưa rõ ràng. Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, có những thông tin của khách hàng có thể công khai được, nhưng có những thông tin thuộc quyền riêng tư không được phép xâm phạm.

“Trong Luật đã có định nghĩa về quyền riêng tư nói chung và có quy định về việc bảo vệ bí mật riêng tư. Nhưng phạm vi của quyền riêng tư như thế nào lại chưa được quy định chi tiết nên đây thực sự là vấn đề phức tạp”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập bày tỏ./.