So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam hiện còn rất lớn. Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp có thể tiết kiệm trên 20%, xây dựng, giao thông 25-30%. Đây là cơ hội cho các công ty dịch vụ năng lượng hoạt động trong thời gian tới, trong đó có mô hình ESCO cung cấp giải pháp về tài chính, kỹ thuật, giúp doanh nghiệp thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng không phải bỏ ra nguồn vốn lớn.
Nhiều mô hình ESCO thí điểm đang thành công tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet) |
Tại nhiều nước trên thế giới, mô hình công ty ESCO rất phổ biến, đặc biệt là các nước có ngành công nghiệp phát triển. Trong khi đó ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 10 công ty có đăng ký kinh doanh loại hình ESCO.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thí điểm mô hình ESCO từ cuối năm 2014 và thành công tại một số công ty chế biến thủy hải sản, khách sạn ở khu vực phía Nam. Điển hình như mô hình ESCO tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, lắp đặt hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, cung cấp 23.000 lít nước nóng/ngày, giúp tiết kiệm được 21.000 - 22.000 kWh/tháng, tương đương 30-40 triệu đồng/tháng.
Trong giai đoạn 2016-2020, EVN xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình ESCO trên phạm vi toàn quốc, nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Cần phải có cơ chế về tài chính để các ngân hàng, các định chế tài chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp ESCO vay được vốn đầu tư dự án. Hoàn thiện các quy định kỹ thuật, phương pháp đo lường mức năng lượng tiết kiệm được. Và cần thiết có đánh giá của cơ quan nhà nước về hoạt động, chất lượng của doanh nghiệp ESCO để cung cấp được dịch vụ đảm bảo cho khách hàng”./.