Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức ngày 25/5 dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Việt Nam có cơ hội chưa từng có để thúc đẩy kinh tế số
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết kinh tế số đang có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu nói chung và ở nhiều quốc gia. Trước xu hướng này, nhiều quốc gia nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế số và ban hành các chiến lược phát triển của riêng mình từ rất sớm.
“Theo số liệu của Google,Temasek, nền kinh tế Internet Việt Nam đạt trị giá 21 tỷ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn 5% GDP cả nước. Các nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam cao gấp 7 lần so với 2015 và dự kiến đạt hơn 57 tỷ USD vào 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thúc đẩy nền kinh tế Internet nhất là các nền tảng chuyển đổi số”, ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi làm sao để khai thác, liên thông dữ liệu, để dữ liệu không bị cát cứ để mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam.
Để phát triển kinh tế số cần sự hợp lực của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần sự chung tay của các doanh nghiệp CNTT. “Chúng ta sẽ nỗ lực để phát triển các nền tảng, giải pháp có chất lượng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số”, ông Khoa khẳng định.
Theo đó, các doanh nghiệp CNTT tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu các công nghệ mà chuyển đổi số sẽ áp dụng như AI, machine learning, Metaverse… Bởi chỉ có đầu tư chất xám thì mới có các sản phẩm công nghệ của người Việt Nam, dành cho doanh nghiệp Việt Nam, thay vì tiếp cận với công nghệ của nước ngoài.
Chủ tịch VINASA chia sẻ, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực dự báo khoảng 20%. Mục tiêu của Chính phủ là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, con số tương ứng là 30% GDP và tỷ trọng trong từng lĩnh vực là 20%.
“Đây là mục tiêu thách thức nhất là với những ngành truyền thống và cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả mọi đối tượng”, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.
Phát triển các nền tảng số Make in Vietnam
Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT), tăng tốc chuyển đổi số đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc VINASA, để đem lại nhiều sản phẩm phù hợp với người Việt.
Khi tất cả 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân. 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 800.000 doanh nghiệp, khoảng 70.000 nhà máy sản xuất, 44.000 trường học, 14.000 cơ sở y tế và khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải… có những sản phẩm công nghệ số, để ứng dụng trong quá trình hoạt động, thì công cuộc chuyển đổi số, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế số mới có thể thành hiện thực.
“Nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số thực chất là chuyển đổi số cho tất cả những đối tượng này, đưa tất cả những đối tượng này lên không gian mạng bằng các nền tảng số Việt Nam, phổ cập nhật nhanh các nền tảng số, để thúc đẩy việc chuyển đổi số. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thì đã lựa chọn 35 nền tảng, để ưu tiên triển khai trước trong năm 2022 này”, ông Đường nêu rõ.
“Bộ TT&TT ban hành Quyết định 186 về thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia, trong đó thì cũng đã xác định rõ 35 nền tảng này, đang đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển các điểm xuất sắc đăng ký với Bộ TT&TT để đánh giá công nhận là những nền tảng số đạt tiêu chí, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương có thể đưa vào sử dụng”, ông Đường nêu rõ.
Theo đại diện Bộ TT&TT, các nền tảng số khi đáp ứng “Khung tiêu chí đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân” sẽ là những nền tảng số góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số và góp phần thúc đẩy thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia./.
Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam Châu Á 2022 diễn ra trong 2 ngày 25-26/5 với 5 hoạt động, 22 phiên hội thảo, dự kiến thu hút 3.000 đại biểu khách mời tham dự trực tiếp và trên 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến. Chương trình sẽ có những hội thảo chuyên sâu giới thiệu kinh nghiệm, giải pháp chuyển đổi số từ các quốc gia tiên tiến. Đồng thời, thúc đẩy kết nối hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp công nghệ số trong nước và quốc tế.