Phổ cập công nghệ số với giá thành rẻ và tiện ích

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, chuyển đổi số là sự dịch chuyển của chúng ta từ không gian thực lên không gian số. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

“Doanh nghiệp công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Dùng công nghệ để tạo ra “bước nhảy” phát triển

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho hay, ngày chuyển đổi số Việt Nam lấy chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia”: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội với mong muốn đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội con người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số; Chính phủ số giúp chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn…

Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi vô cùng nhanh chóng mà trong đó chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất đem lại sự đột phá mạnh mẽ.

Các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới đang được sản sinh ngày càng nhiều trên nền tảng công nghệ tạo ra những “bước nhảy” về kinh tế. Chính vì thế, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đều mong muốn sở hữu công nghệ, tham gia vào cuộc đua công nghệ số.

Bên cạnh đó, những mục tiêu vô cùng thách thức khi hiện tại, theo khảo sát của Bộ Công Thương và UNDP thực hiện với 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tới 82% các doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu “nhập cuộc”.

Có thể thấy, sự dịch chuyển của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm, hầu hết các cơ quan, tổ chức đang chưa biết bắt đầu từ đâu, mặc dù chúng ta đã có bước tiếp cận với xu hướng này về mặt công nghệ tương đương so với thế giới.

Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI (thuộc top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số - top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp chính phủ điện tử 2020), để chuyển đổi số thành công các tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 yếu tố chính bao gồm: nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng số dữ liệu, nhân lực.

Tuy nhiên từ thực tế triển khai số hóa, chuyển đổi số cho nhiều khách hàng là các bộ, ban ngành cũng như các tập đoàn lớn trong nước, FSI nhận thấy rằng dữ liệu trở - nguồn tài nguyên vô giá của mọi tổ chức, vẫn còn đang chưa được quản lý hiệu quả.

Thực tế cho thấy khối lượng dữ liệu đã số hóa tại các tổ chức hiện nay mới ước tính được khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy tờ, và chưa có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả. Đó là kết quả của cơ chế quản lý thủ công, bán tự động mà lịch sử để lại./.