Theo báo cáo nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Đại học Swinburn/Australia công bố, các dữ liệu thu thập được từ siêu kính viễn vọng vô tuyến Parkes đã chứng minh sự tồn tại của các sóng hấp dẫn tần số thấp gợn trên kết cấu của không-thời gian, một khám phá mới có thể mang lại cho loài người những hiểu biết chưa từng có về cách vũ trụ hình thành.

TS. Andrew Zic, nhà thiên văn học thuộc CSIRO cho biết, sóng hấp dẫn tần số thấp được các nhà khoa học sử dụng như những ngọn hải đăng cực kỳ ổn định ngoài thiên hà. Những sóng này đôi khi được gọi là nền sóng hấp dẫn vũ trụ, có thể chứa đựng những bí mật về Vụ nổ Big Bang và sự hình thành của của các thiên hà. Kính viễn vọng Parkes đã xây dựng một bộ dữ liệu của khoảng 30 chùm sao từ năm 2004, cho phép các nhà thiên văn học phát hiện những bất thường nhỏ hoặc sự chậm trễ trong các chùm tia gây ra bởi sóng hấp dẫn tần số thấp, vốn có thể chỉ lướt qua trái đất một lần trong một thập kỷ.

TS. Daniel Reardon của Đại học Swinburne nhấn mạnh, các nhà thiên văn học đã đưa ra giả thuyết, những sóng này được phát ra bởi các cặp lỗ đen siêu lớn quay quanh nhau ở trung tâm của các thiên hà đang va chạm. Ngoải ra, cũng tồn tại một giả thuyết khác cho rằng, sóng hấp dẫn tần số thấp được tạo ra ngay sau Vụ nổ Big Bang, khi quá trình giãn nở theo cấp số nhân của vũ trụ bắt đầu. Theo đó, những tín hiệu này có thể được phân tích để đưa các nhà khoa học đến điểm khởi đầu của vũ trụ.

Nghiên cứu này là một phần trong dự án hợp tác thiên văn học và vật lý vũ trụ toàn cầu, trong đó, Australia có đóng góp vô cùng quan trọng do kính thiên văn Parkes giám sát một tập hợp các chòm sao không thể quan sát trên bầu trời Bắc bán cầu. Trước đây, khi nghiên cứu về vũ trụ, việc phân tích bức xạ điện từ vũ trụ chỉ đưa các nhà thiên văn học đến khoảng 400.000 năm sau Vụ nổ Big Bang. Trong khi đó, các nhà khoa học Australia tin rằng, sóng hấp dẫn vũ trụ có thể chứa những thông tin mang loài người quay lại đến thời điểm một nano giây ngay sau Vụ nổ Big Bang.