Trao đổi tại sự kiện Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2018), ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Việt Nam hiện xếp hạng thứ 89/193 quốc gia về chỉ số Chính phủ điện tử, trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng cao nhất 8 bậc.

vov_chinh_phu_dien_tu_smfu.jpg
Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2018) diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Anh).

"Tuy nhiên, thực tế chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại hầu hết các tỉnh chưa cao dù 63 tỉnh, thành phố đã kết nối liên thông quản lý văn bản. Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần chuyển sang động từ mạnh hơn để thể hiện sự quyết liệt là "mần ngay", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập với sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra thông điệp "Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và hướng tới người dân - doanh nghiệp và nền quản trị thông minh".

"Thể chế là vấn đề cực kỳ quan trọng trong thực hiện Chính phủ điện tử, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu trong thời gian tới trình Quốc hội để thông qua Luật Chính phủ điện tử. Từ đó, có văn bản cụ thể quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, kết nối - gửi - lưu giữ văn bản điện tử", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.

Theo nhận định của giới chuyên gia, một trong những ưu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay của Việt Nam là cơ sở dữ liệu dân cư chung, từ đó mới có định danh dân cư - điều kiện cơ bản trong thực hiện Chính phủ điện tử. Tiếp đó là cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, tài chính, hải quan...

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia kết nối cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương, từ văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành. Có như vậy, mới thực hiện được chia sẻ thông tin và kết nối liên thông dịch vụ công từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu lực, hiệu quả đồng nghĩa với không còn khái niệm "một cửa" nữa mà chuyển sang khái niệm "chia sẻ - kết nối" giữa Chính phủ và người dân.

Ông Hannes Astok, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia. (Ảnh: Vân Anh).
Ông Hannes Astok, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia khuyến nghị, Việt Nam muốn thực hiện Chính phủ số khả thi, vấn đề cốt lõi chính là nguồn lực. Việt Nam cần phải chọn vấn đề thế mạnh làm trước, không thể làm cùng lúc tất cả.  Từ đó, huy động nguồn lực tập trung cho vấn đề ưu tiên đó.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT cũng cho rằng, đối với cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang ở vị trí không quá xa so với các quốc gia trên thế giới.

"Việt Nam có công nghệ, trình độ các công nghệ cốt lõi của cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), in 3D... được đánh giá ngang bằng trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng nhận biết sớm và thái độ cởi mở đối với cách mạng 4.0. Vấn đề hiện nay làm sao phải kết nối được những điều kiện thuận lợi đó để tạo ra một cuộc chuyển đổi số, bắt kịp xu hướng thế giới", ông Phan Thanh Sơn nêu ý kiến.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền khi mà người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số và nền Kinh tế số. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn VNPT, Viettel, FPT tham gia thành phần Ủy ban.

"Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mời các lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân vào Ủy ban, thể hiện sự huy động nguồn lực của cả xã hội, trong đó nền tảng là kinh tế tư nhân", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết./.