Thông tin được ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại lễ khai mạc chương trình đào tạo huấn luyện an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế và tham dự Diễn tập quốc tế APCERT năm 2018, với chủ đề "Lộ lọt dữ liệu do mã độc trên Internet vạn vật (IoT)" do VNCERT và Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7/3.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 1.504 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. (Ảnh: V.A) |
Theo ghi nhận của VNCERT, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 1.504 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam với cả 3 loại hình: tấn công thay đổi giao diện (Deface), tấn công cài mã độc (Malware) và tấn công lừa đảo (Phishing).
Cụ thể, số liệu thống kê của VNCERT cho hay, có 218 sự cố Phishing; 962 sự cố Deface trong đó có sự cố liên quan đến tên miền ".gov.vn" và phần lớn đều đã được khắc phục; 324 sự cố Malware và hiện khoảng hơn 2/3 trang web gặp sự cố này đã được khắc phục.
Cũng theo ghi nhận của VNCERT, năm 2017 đã có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam có 3 loại hình tấn công Deface, Phishing và Malware. Trong đó, có 6.400 trường hợp tấn công Malware; 4.377 trường hợp Deface và 2.605 trường hợp Phishing.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng cho biết, theo thống kê của trang securelist.com được công bố hồi tháng 1/2018, với khoảng 637.400 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ tư trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma. Trong quý IV/2017, Việt Nam đứng thứ 5 trong Top 10 quốc gia bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán) nhiều nhất.
"Nguy cơ an toàn thông tin mạng gia tăng nhanh chóng khi bước vào cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo thống kê, năm 2016, khoảng 5,5 triệu thiết bị thông minh mới được kết nối mỗi ngày và toàn cầu có tổng cộng 6,4 tỉ thiết bị thông minh kết nối, tăng tới hơn 30%/năm. Kèm theo đó những lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm. Hậu quả tấn công mạng với các hệ thống điều khiển công nghiệp Scada, hệ thống trí tuệ nhân tạo, robot… là không thể lường được", ông Lịch nhấn mạnh.
Đứng trước bối cảnh này, VNCERT tổ chức cho các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các đơn vị công nghệ thông tin thuộc các Bộ, ban, ngành, địa phương trên toàn quốc tham gia Chương trình đào tạo huấn luyện an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế và tham dự diễn tập này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, cuộc diễn tập sẽ tạo cơ hội cho các cán bộ kỹ thuật có cơ hội thực hành các kỹ năng, kiến thức của mình vào giải quyết những tình huống cụ thể, sẵn sàng ứng cứu các sự cố do mã độc trên IoT gây ra. (Ảnh: V.A). |
Theo các chuyên gia, chủ đề cuộc diễn tập là "Lộ lọt dữ liệu do mã độc trên IoT" rất phù hợp với tình hình thực tế khi các thiết bị IoT đang phát triển mạnh. Cùng lúc, các sự cố an toàn mạng do mã độc IoT đang ngày càng lan rộng.
Diễn tập APCERT 2018 đặt ra mục tiêu mô phỏng tình huống gần với thực tế nhất có thể. Việc triển khai diễn tập, thực hiện kết nối đa quốc gia được thực hiện theo quy trình đúng với các bước sẽ tiến hành trong trường hợp có tấn công mạng thực.
Thông qua diễn tập, các đội tham gia sẽ được trau dồi thêm kỹ năng thu thập, xác minh, phân tích hành vi mã độc; xác định nguồn gốc, kẻ tấn công; xây dựng biện pháp xử lý, khôi phục hệ thống và cảnh báo các đơn vị liên quan…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, cuộc diễn tập sẽ tạo cơ hội cho các cán bộ kỹ thuật có cơ hội thực hành các kỹ năng, kiến thức của mình vào giải quyết những tình huống cụ thể, sẵn sàng ứng cứu các sự cố do mã độc trên IoT gây ra. Đây cũng là cơ hội để cán bộ kỹ thuật Việt Nam cọ xát với các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề rất "nóng" này./.Tết Nguyên đán 2018, 170 website đặt tại Việt Nam bị tấn công
Cách phòng các mã độc đào tiền ảo tấn công máy tính