Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo
Theo quy định về chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng, hằng năm, các chi bộ đảng phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên. Tổ chức đảng cấp trên phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới. Và khi phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì phải có kế hoạch kiểm tra.
Kiểm tra, giám sát được ví như thanh bảo kiếm để thực thi chức năng lãnh đạo của Đảng. Khi thanh bảo kiếm được mài sắc và rời vỏ sẽ tạo nên sức răn đe và sẵn sàng thực thi hình phạt với những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Thực tế cho thấy, ở một số tổ chức cơ sở Đảng, công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, hoặc có làm nhưng mang nặng tính hình thức. Tại các chi bộ, việc kiểm tra, giám sát đảng viên thường bị động, tức là chỉ khi nào thấy đảng viên có dấu hiệu vi phạm, mới tiến hành kiểm tra.
Thậm chí, chỉ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kiểm tra mới phát hiện và thấy rõ những sai phạm, mà những sai phạm ấy thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thực tế này đã được bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII vừa qua: “Vừa rồi, chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, nhưng ngược lại có những nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, cả hai việc này đều không tốt cho Đảng”.
Trước yêu cầu cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, công tác kiểm tra cần phải được tiến hành một cách chủ động, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Không có kiểm tra thì việc ban hành các điều lệ, quy định trong Đảng vẫn sẽ chỉ là những câu chữ trên bàn giấy. GS.TS Mạch Quang Thắng, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đảng cho rằng, những văn bản quy định không thể là chiếc đũa thần có thể biến mọi thứ theo ý muốn, mà vấn đề mấu chốt là phải hành động để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức Đảng.
“Những quy định, nghị quyết, chỉ thị vẫn chỉ là những quy định trên giấy, vấn đề là ở chỗ thực hiện cho tốt khâu này, tôi cho là vẫn còn nhiều hạn chế. Trong Đảng vẫn còn tình trạng chưa chuẩn giữa nói và làm. Có thể thấy có 4 điều chưa chuẩn. Một là nói thì nhiều nhưng làm thì ít. Hai là nói thì hay nhưng làm thì dở. Ba là nói mà không làm. Bốn theo tôi là nguy hiểm nhất là nói một đằng làm một nẻo. Vậy hãy làm đi, làm nhiều hơn nói, thậm chí là làm mà không nói”, GS-TS Mạch Quang Thắng nêu quan điểm.
Kỷ luật cán bộ không phải để cho nhiều, phạt cho nặng
Để siết chặt kỷ cương, mài sắc thêm thanh bảo kiếm của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương đã ban hành gần 40 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và trong ba nhiệm kỳ gần đây, nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có một nghị quyết riêng về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; quyết tâm đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quyết tâm đó đã được Trung ương cụ thể hóa bằng hành động.
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 tổ chức đảng; cấp ủy các cấp đã kiểm tra hơn 264.000 tổ chức đảng và hơn 1,1 triệu đảng viên. Công tác kiểm tra của Đảng được tiến hành chủ động và phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước.
Kỷ luật cán bộ, khai trừ ra khỏi Đảng với những cán bộ, đảng viên là điều không ai mong muốn. Nhưng để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, để làm trong sạch Đảng và để cảnh tỉnh, răn đe những người còn lại, thì nhất thiết chúng ta phải làm. Chặt bỏ những cành sâu có đau, có xót nhưng cây sẽ không bị lây lan sâu bệnh, nhờ đó mà cây được phát triển tốt hơn. Vì vậy, Tiến sĩ Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, việc phải tuốt thanh bảo kiếm ra khỏi vỏ, không phải để kỷ luật cho nhiều, phạt tội cho nặng mà đó là việc làm hàm chứa nhiều ý nghĩa.
“Dù giữ chức vụ cao như thế nào trong Đảng và bộ máy Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta đều được xử lý một cách công minh, công bằng, hết sức dân chủ. Và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "thấm đẫm tính nhân văn của Đảng ta, của dân tộc ta", không cắt bỏ những cành cây sâu thì có nguy cơ cây sẽ chết. Cho nên việc xử lý các đồng chí ấy cũng không thể không làm”- TS Nhị Lê nhận xét.
Liên tiếp những đại án tham nhũng được xét xử công khai, những hình thức kỷ luật mạnh tay, đúng người, đúng tội được thực thi đã cho thấy, quan điểm “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng của Đảng đã được hiện thực hóa. Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, ngăn ngừa tự diễn biến, tự chuyển hóa của Đảng. Niềm tin của Nhân dân với Đảng cũng đã được thể hiện rõ nét hơn trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng có chung nhận định như vậy. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, “cử tri đánh giá rất cao sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, với những vụ án đã được đưa ra ánh sáng thời gian qua. Việc xử lý những cán bộ cấp cao liên quan tham nhũng đã được xử lý rất nghiêm minh, khiến người dân rất phấn khởi và đặc biệt rất tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”.
Không để “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong Đảng, đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm chắc chắn nhất cho sự bền vững của chế độ. Và đó cũng là sức mạnh nội sinh, bảo vệ Đảng trước mọi thử thách, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh./.