Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội đã đưa ra quyết định về công tác cán bộ. Theo đó, Trung ương đã khai trừ 1 Ủy viên và cho thôi chức 3 Ủy viên khác. Việc cho thôi chức 3 Ủy viên Trung ương chính là bước cụ thể hóa Kết luận số 20 Bộ Chính trị là khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Tuy nhiên, việc từ chức, cho thôi nhiệm vụ không đồng nghĩa với “hạ cánh an toàn”.
Ông Nguyễn Thành Viễn, nguyên Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính cho rằng, việc xử lý cán bộ sai phạm thời gian qua là hoàn toàn đúng và nghiêm túc, cho thấy sự nhất quán trong chủ trương, chỉ đạo của Đảng đó là không có đặc cách , không có ngoại lệ hay vùng cấm nào. Tuy nhiên, ông nói: "nếu chỉ xử lý về mặt Đảng, cho họ nghỉ là xong mà không xử lý về mặt chính quyền, về hành chính tương ứng thì nhẹ nhàng quá, trong khi những sai phạm có thể ảnh hưởng đến công việc khác”.
Ông Viễn nhớ lại, có những thời điểm, dư luận bất bình khi có những cán bộ mắc sai phạm, bị kỷ luật, uy tín giảm sút nhưng lại được điều chuyển công tác sang một lĩnh vực, cơ quan khác. Ông Viễn cho rằng, nếu còn xử lý như vậy là tạo điều kiện cho những cán bộ thoái hóa biến chất, thiếu trách nhiệm lợi dụng làm bừa, chứ không ngăn chặn được những sai trái, như thế rất nguy hiểm.
“Cán bộ đã mắc sai phạm mà lại điều chuyển sang vị trí khác, thường là không tốt, rất ít người tốt. Sang vị trí mới, lĩnh vực mới, họ lại bày mưu tính kế, sẽ lại có những hành vi thậm chí tinh vi hơn để che giấu những sai lầm, khuyết điểm khác để thực hiện mục đích cá nhân, tiêu cực của mình. Các cụ xưa nói rồi, “đánh rắn phải đánh dập đầu”, phải làm kiên quyết, không thể nhân nhượng với những sai lầm, khuyết điểm”.
Chia sẻ câu chuyện này, ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, có cán bộ mắc khuyết điểm bị khiển trách, nhắc nhở và được điều chuyển sang một vị trí khác, lĩnh vực khác, là bởi theo quy định, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc. Việc điều chuyển giúp cán bộ không để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm mới, trong khi họ cũng là cán bộ có năng lực.
Tuy nhiên, ngược lại cũng có quan điểm cho rằng, vì suy thoái, tiêu cực mới bị kỷ luật, mà đã bị kỷ luật rồi thì nên giữ danh dự, liêm sỉ. Và Kết luận số 20 của Bộ Chính trị được coi như sự mở đường để cán bộ bị kỷ luật, hạn chế năng lực, uy tín giảm sút dễ dàng nói lời từ chức, rút lui trong danh dự.
Cho thôi chức Ủy viên Trung ương đối với 3 cán bộ sau khi bị kỷ luật có thể xem là một quyết định "xưa nay hiếm", thể hiện tinh thần nêu gương để cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương lấy đó làm kinh nghiệm để bố trí, xử lý cán bộ. Trung ương đã làm nghiêm minh thì địa phương không có lý do gì để trì hoãn.
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, tùy từng trường hợp cụ thể, nếu khuyết điểm của cán bộ ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, khi không còn đủ uy tín, người ta tự nguyện, tự giác xin rút lui hay từ chức, như thế rất đáng khuyến khích. Còn đương nhiên với những cán bộ khuyết điểm không quá nghiêm trọng nhưng cảm thấy không thể làm tốt được nữa, vì danh dự, uy tín mà xin rút lui cũng rất đáng hoan nghênh. “Đó là tín hiệu tốt cho thấy tính tự giác của cán bộ có vi phạm, mắc khuyết điểm đang dần được cải thiện”, ông Vũ Trọng Kim nhận định.
Ông Nguyễn Thành Viễn và ông Vũ Trọng Kim đều cho rằng, việc từ chức, cho thôi nhiệm vụ không đồng nghĩa là để cán bộ “hạ cánh an toàn”. Nếu phát hiện sai phạm thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý tùy theo mức độ . /.