Trong Kết luận 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng "tất cả quyền lực đều được kiểm soát". Điều đó cho thấy việc kiểm soát quyền lực đang hết sức cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đảng ta vẫn đang đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, vấn đề kiểm soát quyền lực là ý chí, mong muốn tốt đẹp. Để có được chủ trương, chính sách, chế tài để kiểm soát quyền lực là cả một quá trình, thậm chí không chỉ của một văn kiện, một nghị quyết.

Phải kiểm soát cơ quan, cá nhân giới thiệu cán bộ

PV: Thưa ông, việc tăng cấp độ trong vấn đề kiểm soát quyền lực trong Thông báo 50 mới đây của Bộ Chính trị có thể thấy Đảng ta đang đặt quyết tâm rất lớn vào công tác này?

Ông Phan Khắc Hải: Quyết tâm đó là quá đúng, tôi luôn mong muốn Đảng ta làm được như vậy. Khi Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vấn đề kiểm soát quyền lực của những cơ quan đó là hết sức quan trọng.

Việc Bộ Chính trị tăng mức độ kiểm soát đối với quyền lực cho thấy đây là vấn đề vô cùng phức tạp. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, quyền lực có những diễn biến khác nhau và phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau, trước hết là nhận thức của con người. Người có chức có quyền cũng nhận thức khác nhau về quyền lực đó.

Ông cha ta nói “lòng tham vô đáy”, mỗi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người có chức quyền, nếu không chịu tu dưỡng đạo đức, thì quyền lực trao vào tay họ cũng là “vô đáy”. Kết luận của Bộ Chính trị vừa rồi cho thấy Đảng ta luôn quan tâm tới công tác kiểm soát quyền lực của cán bộ, bởi trong giai đoạn hiện nay, khi được trao quyền lực, cộng với tác động của xã hội, các điều kiện, hoàn cảnh khác, người được trao quyền nhất định phải nhận thức đúng về quyền lực mình được giao. Ngược lại, cũng cần có chế tài để giám sát, đáp ứng sự phát triển về công tác quản lý quyền lực. Mỗi giai đoạn lịch sử, cơ quan Nhà nước và những người đứng đầu cơ quan Nhà nước đều có quyền, quyền lực đó phù hợp với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ họ được giao. Do đó phải kiểm soát quyền lực tương ứng với sự phát triển của xã hội.

Yêu cầu kiểm soát quyền lực theo hướng "mọi quyền lực đều phải kiểm soát” cũng chính là mong muốn, quyết tâm của Đảng ta, nhưng không phải bây giờ mới mong muốn, quyết tâm mà trước kia Đảng ta, Bác Hồ đã nói mọi quyền lực thuộc về nhân dân, cái gì cũng từ nhân dân cả. Bác Hồ cũng nói, ai cũng muốn có công bằng, xã hội rất cần công bằng, nhưng để thực hiện được công bằng không phải là dễ.

Vì thế yêu cầu “mọi quyền lực phải được kiểm soát” tôi hiểu đó là ý chí, mong muốn tốt đẹp, ai cũng muốn như vậy. Để có được chủ trương, chính sách, chế tài để kiểm soát quyền lực là cả một quá trình, thậm chí không chỉ của một văn kiện, một nghị quyết. Quan trọng là nó phải được tổ chức thực hiện trong hệ thống chính trị của Đảng, trong các cơ quan quyền lực Nhà nước và phải được thấm sâu để mọi người hiểu quyền lực là gì, kiểm soát quyền lực thế nào, hiểu được mới kiểm soát được.

PV: Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18, theo ông, chúng ta đã xây dựng được cơ chế để kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả hay chưa?

Ông Phan Khắc Hải: Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được xem là bước phát triển lớn. Tôi cũng ủng hộ quan điểm phải đưa những người có tri thức, trí tuệ vào cơ quan chính trị. Không phải là kỳ thị, nhưng tôi thấy cơ quan quyền lực của Nhà nước hiện nay cần những người có tri thức, không phải trí thức bình thường, mà phải là những người có kiến thức uyên bác để quản lý Nhà nước.

Muốn làm được việc đó không phải dễ, theo tôi cần đặc biệt quan tâm tới những người làm công tác tổ chức cán bộ, bởi họ là người đề xuất ai vào vị trí nào. Tổ chức cán bộ là công tác của cấp ủy và phải có người đứng ra chủ xướng, đó chính là cơ quan tổ chức cán bộ, nơi sẽ lựa chọn người xứng đáng đưa vào cơ quan quyền lực. Vì thế, nói kiểm soát quyền lực, ngoài chủ trương chính sách của Đảng, trước hết phải kiểm soát cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan làm công tác quyền lực đó.

Đề cử nhầm người, cán bộ tổ chức phải chịu trách nhiệm

PV: Như ông nói, muốn kiểm soát quyền lực, trước tiên phải kiểm soát được cơ quan, tổ chức, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Vậy chúng ta cũng phải đặt ra những quy định, yêu cầu cụ thể đối với nhân sự làm công tác cán bộ?

Ông Phan Khắc Hải: Chúng ta có chủ trương thi tuyển cán bộ ở một số cấp, thì mỗi cấp, mỗi chức vụ đó đều phải có tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đầu tiên theo tôi là trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, tinh thông nghiệp vụ. Chúng ta có thể thấy, việc bổ nhiệm nhân sự thì trình độ đều tốt nghiệp đại học, có bằng tiến sỹ, kỹ sư… Đấy là tiêu chuẩn mỗi chức vụ khác nhau, mỗi cơ quan khác nhau đều phải có tiêu chuẩn để chọn người đứng đầu, để chọn cán bộ vào nhiệm vụ đó. Cơ quan làm nhiệm vụ lựa chọn ở đây chính là cơ quan làm công tác cán bộ, sau đó mới trình lên cấp ủy chọn. Vì thế ở khâu tổ chức cán bộ, người làm công tác này mà mẫu mực, công tâm, khách quan, trung thực, thì mới chọn được cán bộ trung thực, khách quan. Yêu cầu đối với người làm công tác cán bộ, của những người lựa chọn cán bộ, nhận xét, đề bạt cán bộ phải hết sức nghiêm ngặt, liêm chính. Để trở thành cán bộ liêm chính đòi hỏi có cả lương tâm và trình độ; cán bộ có liêm chính mới chọn được người liêm chính để giới thiệu cho cấp ủy, tổ chức.

PV: Những trường hợp cán bộ tổ chức đề xuất, tiến cử nhầm người thì sao, thưa ông. Dường như không nhiều trường hợp lựa chọn nhầm người, cán bộ tổ chức phải chịu trách nhiệm?

Ông Phan Khắc Hải: Tôi cũng có cảm nhận như vậy. Theo tôi, chúng ta chưa thực sự quan tâm và nghiêm khắc với những người làm công tác lựa chọn và giới thiệu cán bộ. Vì thế, trước Đại hội XIII, Đảng ta ban hành rất nhiều Chỉ thị, Quy định rất chặt chẽ đối với công tác nhân sự. Nhưng sau Đại hội, sai phạm của cán bộ dường như càng nhiều hơn, ngay cả những người trúng cử Ủy viên Trung ương cũng vi phạm. Vậy trách nhiệm đó thuộc về ai, thuộc về Ban Chấp hành Trung ương hay sao, nhưng Ban Chấp hành Trung ương cũng phải dựa vào cơ quan giới thiệu. Theo tôi, chúng ta chưa có một chế tài thật nghiêm khắc với cơ quan lựa chọn cán bộ cho Đảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng rất tâm tư về câu chuyện này.

Đảng ta cũng có quy định người đứng đầu phải có trách nhiệm khi cấp dưới sai phạm, nhưng theo tôi quy định đó là chưa đầy đủ, cấp nào phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến đâu, cần phải cụ thể thì chúng ta chưa có.

Đảng ta cũng có quan điểm phải có một quy định để bảo vệ cán bộ, bảo vệ những người nhìn ra sự thật, làm đúng sự thật. Tâm của cán bộ ta là như vậy, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, có chuyện này chuyện kia, đụng đến chính sách này, quy định kia, nhưng họ vẫn tâm niệm phải làm đúng và toàn tâm toàn lực. Như vậy, bảo vệ cán bộ ở đây là bảo vệ những việc làm đúng của họ. Tuy nhiên, đó cũng mới là quan điểm, chứ chưa có quy định cụ thể và không nhiều người dám làm như vậy. Thực tế, cán bộ của ta đã thực sự vì lợi ích của dân để làm như thế chưa? Đại án ngành Đăng kiểm hiện nay là câu trả lời khá rõ. Cán bộ từ trên xuống dưới đều sai phạm cả…, vậy chúng ta kiểm soát quyền lực đã nghiêm chưa, đã chặt chưa, có thường xuyên hay không?

Phát huy dân chủ để người dân cùng “nhốt” quyền lực vào “lồng”

PV: Công tác cán bộ là công tác của Đảng, của tập thể cấp ủy. Trước khi một nhân sự nào đó được đưa ra để bầu phải được sự tiến cử, giới thiệu của Đảng. Vậy cơ chế này có ảnh hưởng gì đến việc chúng ta xử lý những người giới thiệu sai cán bộ không?

Ông Phan Khắc Hải: Khi có sai phạm, Ban cán sự Đảng phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật, như thế là xử lý tập thể, nhưng tập thể đó phải có người đứng đầu, cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên chúng ta chưa có quy định rõ ràng, rành mạch, công bằng để xem xét các trường hợp.

Tuy nhiên, cơ chế ấy theo tôi đôi khi chưa thể hiện một cách đầy đủ nguyện vọng của nhân dân. Trong khi, không ai sát với cán bộ bằng quần chúng, nhân dân. Đơn cử như việc kê khai tài sản của cán bộ, quần chúng, nhân dân là người nắm rõ hơn hết. Vấn đề là phải biết dựa vào dân, nhưng việc này chúng ta làm chưa tốt. Lịch sử đã chứng minh, trong chiến tranh, cán bộ sống được là nhờ có dân. Thời chiến tranh, cán bộ phải “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, còn ngày nay tư tưởng gần dân vẫn vậy: phải hiểu nhân dân, phải biết nhân dân và phải đi sát với họ. Nhưng nhìn nhận một cách nghiêm khắc, tôi thấy yêu cầu gần dân đối với cán bộ hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, chưa trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với người làm công tác cán bộ nói riêng và của cán bộ nói chung.

Việc có kiểm soát được quyền lực hay không không phải là ý chí của một ai mà nó xuất phát từ nhiệm vụ của cách mạng. Mỗi thời đoạn cần có nhiệm vụ riêng, nhiệm vụ đó đòi hỏi phải được thanh tra, kiểm tra, thanh tra cả con người lẫn công việc, đó chính là kiểm soát quyền lực của cơ quan, tổ chức, của con người.

Không có thanh tra, kiểm tra là không có lãnh đạo. Anh đề ra chủ trương, nhưng không kiểm tra xem chủ trương đó được thực hiện ra sao, đã làm được đến đâu, kết quả như thế nào, thì đâu còn là lãnh đạo. Có thể hiểu, thanh tra ở đây, trong đó có một mặt là công tác kiểm tra việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng qua công việc thực tế và người tổ chức việc thực hiện đó. Nghĩa là kiểm soát quyền lực của 2 đối tượng: thực hiện và tổ chức thực hiện.

Chúng ta có cơ quan kiểm tra của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây là cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, từ trung ương đến cơ sở.

Có Nhà nước là có quyền lực; có quyền lực ắt sẽ có tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực để hạn chế tới mức thấp nhất việc lạm dụng quyền lực để làm sai. Bản chất của Nhà nước XHCN, bản chất của Đảng ta không cho phép những hiện tượng đó, nhưng vì vẫn còn những cơ chế của tổ chức, cơ quan quyền lực nên vẫn không tránh khỏi, điều đó Đảng, Nhà nước ta không mong muốn. Vì thế, kiểm tra quyền lực là cả một hệ thống. Đảng ta có nói phải “nhốt” quyền lực vào lồng, nhưng cái lồng đó ai làm. Bác Hồ nói phải lấy dân làm gốc, những vụ việc vi phạm quyền lực của cán bộ, khi tổ chức ở đó không phát hiện mà cũng không dám phát hiện mặc dù biết, nhưng rất may là nhân dân phát hiện, cơ quan báo chí phát hiện. Nếu không có báo chí cùng đấu tranh trên mặt trận phòng chống tham nhũng, rất nhiều vụ việc bị chìm xuồng, không phát hiện được.

Cần phải chú trọng và phát huy dân chủ của dân. Quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là rất hay, rất đúng, nhưng làm sao để dân biết, dân nói, đó là quan trọng nhất mà chúng ta cần phải tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa. Nếu không làm cho nhân dân hiểu được, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì khó mà nói là dân hưởng thụ được.

PV: Xin cảm ơn ông./.