Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương: “Người ta vẫn nói “con ruồi chui qua lỗ kim” tưởng chừng không thể xảy ra nhưng nó vẫn đang xảy ra vì có lý do của nó. Lý do thứ nhất là trách nhiệm quản lý cán bộ kém. Thứ hai, người ta vẫn nói chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu, thậm chí, những ngành quan trọng khi lên chức cũng mất cả tỷ bạc. Vì vậy, tôi nghi ngờ có chạy chọt trong việc này và cần phải lên án. Cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, những ai đã ký và ký vì sao? Phải làm rốt ráo việc này”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 14/6)
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV: “Có hai bài học đắt giá qua vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh. Thứ nhất, đó là phía Chi bộ cơ sở. Chi bộ cơ sở phải là nơi nhận thức rõ nhất, đánh giá đầy đủ nhất về phẩm chất, tư duy và năng lực hành động thực tiễn của cán bộ tại đó và phải phát huy vai trò cơ sở này. Tuy nhiên, trong thực tế, những năm qua, vai trò cơ sở ở một số nơi, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, cho thấy cơ sở chưa đấu tranh đủ mạnh, vẫn còn tắc ở đâu đó. Vì vậy, phải rà soát lại từ phía cơ sở, chi bộ.
Thứ hai, đó là quy trình từ phía các cơ quan cao nhất, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức các Tổng công ty, Doanh nghiệp Nhà nước. Các cơ quan này phải công tâm, làm đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về việc đánh giá cán bộ”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 12/7)
TS Nguyễn Quốc Dũng |
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Cần phải làm rõ, vì sao một người có vấn đề như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ, trái với quy định của Trung ương. Tôi chỉ băn khoăn một điều về đào tạo cán bộ trẻ. Trách nhiệm của các tổ chức là rất quan trọng. Để một cán bộ có thiếu sót được di chuyển đến những vị trí khác và tiếp tục vi phạm là làm hại cán bộ. Nếu những cán bộ như thế ở những vị trí cao hơn thì còn làm hại cho đất nước”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 14/7)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Một quy trình mà để lọt những người như Trịnh Xuân Thanh thì quy trình đó phải xem lại. Một người có vấn đề như vậy, tại sao nằm trong quy hoạch, được luân chuyển. Tổng Bí thư từng phát biểu, nghe râm ran có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển; rồi chạy “đi”, chạy “về”. Cả bộ máy làm mà để trường hợp như ông Thanh lọt vào. Tôi nghĩ đây không phải là trường hợp duy nhất. May phát hiện ra được, chứ không mà vào Quốc hội rồi thì nguy” (Trả lời trên VOV.VN ngày 15/7)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh có thể nói là rất “điển hình”. Ông Thanh đã phạm phải những sai lầm mà văn kiện Đại hội XI từng phê phán: đó là chạy chức chạy quyền, chạy án chạy tội, chạy khen thưởng để đánh bóng tên tuổi mình, chạy luân chuyển khi không nằm trong diện được luân chuyển. Vụ việc này giải quyết được triệt để cũng sẽ giải quyết được gốc rễ của vấn đề”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 25/7)
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Việc ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì phải có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Đưa ông Thanh vào Tỉnh ủy Hậu Giang thì phải có quyết định của Ban Bí thư, vì cấp đó là Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, mà người giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng là ai? Cơ quan nào? Và việc liên quan đó phải có quyết định của Thủ tướng vì đây là vị trí Phó Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng quyết định trên cơ sở của ai đề nghị? Rõ ràng là có Bộ, ngành cụ thể đề nghị việc này. Những việc đó không thể né tránh được mà hãy dũng cảm. Nếu có khuyết điểm thì nhận khuyết điểm, không vì sợ xử lý mà né tránh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề vụ này phải đi đến cùng và phải làm rõ. Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm phải đi đến cùng và phải dũng cảm nhận thấy phần trách nhiệm của mình, từ đó cùng nhau tìm ra nguyên nhân sâu sắc. Đây là hiện tượng cụ thể nhưng lại khá phổ biến, cần phải rút ra bài học chung cho Đảng, Nhà nước”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 6/8)
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Việc xử lý ông Trịnh Xuân Thanh phải xử lý từ gốc, không thể đơn giản chỉ xử lý một mình ông Thanh được. Một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được. Trong sự việc này có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh phải có các cơ quan này” (Trả lời trên VOV.VN ngày 9/9)./.
Trịnh Xuân Thanh: Từ xe Lexus biển xanh đến lệnh truy nã quốc tế