Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ(20/3) năm nay được tổ chức trang trọng tại Văn  Miếu - Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng thiêng liêng của truyền thống ngàn năm văn hiến, nơi có 82 bia đá Tiến sĩ vừa được UNESCO công nhận ngày 9/3 vừa qua là Di sản Tư liệu Thế giới.

Ngày Pháp ngữ năm nay được tổ chức tại Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt: “Là dịp để tất cả các nước thành viên của Cộng đồng trên thế giới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng đồng Pháp ngữ. Đồng thời, đây là năm Thủ đô Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Hai sự kiện này cho thấy Hà Nội thực sự là cái nôi của Pháp ngữ ở châu Á, Việt Nam luôn là át chủ không thể thay thế trong gia đình lớn các dân tộc nói tiếng Pháp” - Chủ tịch Nhóm các Đại sứ quán, Pháp ngữ tại Hà Nội, Đại sứ Rumania Dumitru Olaru khẳng định. 40 năm qua, Cộng đồng Pháp ngữ đã, đang lớn mạnh, phát triển thịnh vượng với tiềm năng hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ 21 quốc gia ký Công ước Niamay thành lập Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT) năm 1970, Cộng đồng Pháp ngữ hiện đã vươn lên mang tầm vóc của một tổ chức toàn cầu hoạt động tích cực trên trường quốc tế, có vai trò và tiếng nói trên nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoà bình, an ninh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đặc biệt là đa dạng văn hoá đóng góp quyết định vào việc UNESCO thông qua Công ước quốc tế về đa dạng văn hoá năm 2005.

Là quốc gia thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ ở khu vực châu Á, sau hơn 20 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và đáng khích lệ về xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quan tâm chung của quốc tế và khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: “Trong chính sách đối ngoại rộng mới của mình, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Cộng đồng Pháp ngữ, đã tham gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam tự hào tổ chức thành công Hội nghị cấp cao 7 vào năm 1997 tại Hà Nội, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Cộng đồng với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ mới và bầu Tổng thư ký Pháp ngữ đầu tiên. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy cộng đồng chú trọng đầu tư giúp đỡ các nước thành viên đang phát triển trong các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, phát triển bền vững và luôn khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước của mình với các nước thành viên khác, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như an ninh lương thực”.

Đánh giá về quá trình tham gia cộng đồng Pháp ngữ của Việt Nam, ông Patrice Burel, Giám đốc văn phòng khu vực châu Á-TBD của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ  (OIF) nhận định, kể từ khi chính thức trở thành thành viên của tổ chức này vào đầu năm 1979, Việt Nam hoạt động rất tích cực và tham gia vào tất cả các cơ quan của OIF, đặc biệt là hợp tác và triển khai có hiệu quả nhiều lĩnh vực của tổ chức này. Một trong những trọng tâm phát triển, thúc đẩy các hoạt động Pháp ngữ tại Việt Nam là việc sử dụng và giảng dạy tiếng Pháp. Các dự án hợp tác thiết thực, hiệu quả và phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam. Trung tâm giảng dạy tiếng Pháp ở khu vực châu Á-TBD đã ký kết với Việt Nam nhiều thoả thuận về giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông trên toàn quốc, hỗ trợ nhiều chương trình giảng dạy tiếng Pháp và nghiên cứu khoa học tại nhiều trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Từ số ít các nước thành viên ban đầu, cho tới nay Cộng đồng Pháp ngữ đã có 56 thành viên và 14 quan sát viên với 870 triệu dân. Sức sống của Cộng đồng Pháp ngữ còn thể hiện trong mối liên kết và sự đa dạng văn hoá giữa các quốc gia thành viên. Bà Vicky Sommet, Giám đốc Đài phát thanh quốc tế Pháp cho rằng: “Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của cộng đồng Pháp ngữ là thúc đẩy đa dạng văn hóa. Vì vậy, với nền văn hóa giàu bản sắc của mình, Việt Nam sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển đa dạng văn hóa của khối”.

40 năm qua, Cộng đồng Pháp ngữ đã luôn tự hào trước sự phát triển không ngừng. Kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam năm nay sẽ là dịp để Việt Nam cùng các thành viên của khối tôn vinh tiếng Pháp, thể hiện tinh thần đoàn kết trong Cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam, một thành viên quan trọng trong gia đình lớn các nước nói tiếng Pháp trên toàn thế giới./.