Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về vấn đề này.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta đã có hơn 6 năm tham gia hoạt động GGHB LHQ và đạt được những kết quả rất quan trọng, được bạn bè quốc tế cũng như trong nước đánh giá cao. Có được kết quả đó là nhờ nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên phải kể tới cơ sở pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lĩnh vực này.
Dấu mốc đặc biệt quan trọng là năm 2013, Bộ Chính trị đã thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ”. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang rất cần cơ sở pháp lý mang tính cơ bản hơn, đó là một văn bản của Quốc hội về hoạt động GGHB LHQ làm cơ sở cho tất cả các văn bản dưới luật nhằm triển khai một cách đồng bộ và triệt để tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng như luật pháp quốc tế trong quá trình Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Theo tôi, việc Quốc hội xem xét thông qua dự thảo nghị quyết không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý, không chỉ dành riêng cho lực lượng GGHB. Bước đi này còn gửi đi một thông điệp của quốc gia khẳng định, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chứng tỏ cho các nước thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đều chung một ý chí là đóng góp tích cực cho hoạt động GGHB LHQ.
Việc chúng ta tham gia hoạt động GGHB LHQ được đưa vào luật, tức là chúng ta khẳng định sẽ tham gia vào sứ mệnh này lâu dài bằng sức mạnh quốc gia, chứ không phải việc chốc nhát bằng một đơn vị hay lực lượng cụ thể nào. Và đặc biệt, việc này sẽ càng nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ là có nguyên tắc và có sự ủng hộ của luật pháp đất nước.
Tôi cho rằng khi Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết, việc đầu tiên chúng ta phải làm sẽ là thông báo với LHQ. Nhìn lại hơn 100 nước tham gia GGHB, không nhiều nước có luật về GGHB.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như chúng ta biết, GGHB LHQ là hoạt động đa quốc gia, đa ngành, đa phương. Nếu không có cơ sở pháp lý, sẽ rất khó khăn cho lực lượng của chúng ta khi bước chân ra khỏi đất nước.
Tôi nghĩ rằng, việc Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết về hoạt động GGHB LHQ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của một văn bản pháp lý, mà nó sẽ tạo nguồn sức mạnh cho lực lượng của ta hoàn thành tốt nhiệm vụ ở bên ngoài. Đồng thời, nó cũng giúp bảo đảm cho chúng ta theo đúng luật pháp, bảo đảm an toàn và chúng ta sẽ vừa đóng góp tích cực cho nhiệm vụ chung của LHQ, vừa đóng góp cho hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quân đội trong thời gian tới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chắc chắn là như vậy! Khi có nghị quyết này sẽ khẳng định một cách rõ ràng về nhiệm vụ GGHB LHQ của đất nước chúng ta. Thứ hai, nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chính sách đối với hoạt động GGHB LHQ nói chung cũng như từng cán bộ, chiến sĩ nói riêng được đảm bảo bởi luật pháp khi thực hiện nhiệm vụ. Và thứ ba, đây sẽ là chỗ dựa về mặt luật pháp. Bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào hoạt động ở nước ngoài đều cần chỗ dựa của quốc gia. Quốc gia bảo trợ cho hoạt động này và bảo vệ các cán bộ, chiến sĩ. Tôi cho rằng đây là nguồn động viên và là sức mạnh rất thực chất cho hoạt động GGHB LHQ mà chúng ta đang tham gia.
Tuy nhiên tôi cũng cần nói thêm, nếu có được một nghị quyết như vậy thì chúng ta mừng một phần, nhưng một phần cũng rất lo. Khi có nghị quyết rồi, việc nâng cao năng lực, chất lượng của hoạt động GGHB LHQ sẽ như thế nào để tương xứng với sự tin cậy và những quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với hoạt động này. Đây là vấn đề chúng ta phải cố gắng nhiều hơn trong cả một quá trình dài sắp tới.