PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore) – người có nhiều năm nghiên cứu về tăng trưởng và phát triển nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên VOV.VN về thông điệp mạnh mẽ và những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore). Ảnh nhân vật cung cấp
Cần ánh sáng minh bạch và luồng khí mát lành của lòng dân
PV: Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu thẳng thắn và thể hiện quyết tâm hành động theo thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Ông cảm nhận thế nào về thông điệp đó?
PGS Vũ Minh Khương:Theo cảm nhận của tôi, đó là một thông điệp rõ ràng, khảng khái và đúng hướng. Tôi mong đây là bước khởi đầu cho một thông điệp lớn hơn, thôi thúc hơn, bền vững hơn; đó là cả dân tộc cùng nhau dốc lòng xây dựng một xã hội liêm chính, kiến tạo và hành động. Chính phủ ưu tú sẽ làm tiền đề và sẽ là hệ quả bền vững của một xã hội ưu tú.
Chúng ta hãy phấn đấu cho một ngày mai để mỗi người Việt Nam ta có thể tự hào ngẩng cao đầu về phẩm chất trong sạch, tư duy kiến tạo và nỗ lực hành động của chính mình. Đây sẽ là giá trị phổ quát không chỉ các cơ quan chính phủ mà cả mỗi người dân, từng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Sức mạnh của Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ mạnh hơn ngàn lần nếu các tệ nạn chạy chọt, chụp giật, gian dối hiện nay được tiệt trừ tận gốc.
PV: Quy rõ trách nhiệm, đề cao tính làm gương từ Chính phủ, bộ ngành; thực hành tiết kiệm chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mạnh mẽ ngay đầu nhiệm kỳ. Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ lựa chọn việc thiết lập kỷ cương trong tình hình Việt Nam hiện nay?
PGS Vũ Minh Khương:Đây là một bước đi quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó mới chỉ tạo ra điều kiện cần chứ chưa đủ. Để xây dựng thành công một Chính phủ liêm chính và một xã hội kỷ cương, Chính phủ cần sớm hoạch định và triển khai một chương trình hành động có tính chiến lược cao, coi trọng nỗ lực cải cách thể chế trong ba lĩnh vực ưu tiên: minh bạch; trách nhiệm giải trình và tiếng nói giám sát của người dân.
Nói một cách ví von, ngôi nhà chung của chúng ta sẽ sạch sẽ và đáng sống hơn rất nhiều nếu nó có ánh sáng chan hòa của sự minh bạch và được hưởng luồng khí mát lành của lòng dân. Nếu để ngôi nhà thiếu ánh sáng và dưỡng khí thì cố gắng diệt chuột, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không đem lại kết quả mong muốn.
PV. Chính phủ mới thể hiện quyết tâm “nói đi đôi với làm”, thành lập ngay tổ công tác theo dõi việc thực hiện chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Theo ông, điều này có tác động thúc đẩy cỗ xe bộ máy nhà nước trong thời gian tới thế nào?
PGS Vũ Minh Khương:Cách làm quyết liệt này là cần thiết và sẽ đem lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để tạo nên một bộ máy quản lý có hiệu năng cao, Chính phủ cần có những bước đi nền tảng chiến lược hơn và áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại hơn trong hoạch định và triển khai các chương trình hành động.
"Chính phủ cần có những bước đi nền tảng chiến lược hơn và áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại hơn trong hoạch định và triển khai các chương trình hành động" - PGS Vũ Minh Khương (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Điều cần nhấn mạnh là nhiệm kỳ năm năm tới của Chính phủ có vai trò cực kỳ quan trọng trong nâng cấp công cuộc phát triển của đất nước. Mô hình tăng trưởng dựa trên giải phóng nguồn lực và mở rộng đầu tư hình thành trong 30 năm đổi mới vừa qua đã làm tròn trách nhiệm lịch sử của nó. Đất nước đã ra khỏi nghèo đói, lạc hâu. Mô hình tăng trưởng cho 30 năm tới có sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Mô hình này phải dựa trên nỗ lực mạnh mẽ trong nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, mọi cố gắng, dù khẩn trương và quyết liệt đến đâu cũng nên bắt đầu từ ý thức xây dựng nền tảng chiến lược cho một công cuộc đổi thay lớn, cho một hành trình dài. Chẳng hạn, dựa án sửa đổi luật trong lĩnh vực kinh doanh của Bộ Tư pháp nên tham khảo thật kỹ hệ thống luật pháp của các nước thành công để tạo nên nền móng lâu dài cho một công cuộc phát triển thần kỳ, thay vì chỉ chú trọng xử lý gấp rút một số nội dung cấp bách hiện thời như đề xuất của Bộ trong phiên họp Chính phủ hôm 1/8 vừa rồi.
Thủ tướng: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả"
Trọng dụng hiền tài phải là tuyên ngôn hành động
PV: Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngày nay, nhân tài, hiền tài của Việt Nam kể cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước”. Ông bình luận gì về thông điệp này?
PGS Vũ Minh Khương:Câu nói này rất đi vào lòng người. Tôi mong nó sẽ không là điều vọng ước mà là một tuyên ngôn hành động. Sẽ có rất nhiều điều cần bàn để đưa chủ trương này đi vào cuộc sống.
Tôi xin đề cập đến một mô hình chính sách đơn giản cho thực thi nỗ lực này. Mô hình này được viết tắt theo tiếng Anh là HOME (ngôi nhà) để gợi nên ý thức trách nhiệm của con dân của một đất nước, dù ở đâu cũng phải hướng về quê nhà. Chữ HOME là viết tắt của bốn từ tiếng Anh; mỗi từ chỉ ra một phương hướng chiến lược cho chính sách thu hút nhân tài: Hope, Opportunity, Memory, và Engagement.
Từ “Hope” (Hy vọng) nhấn mạnh việc tạo ra niềm hy vọng về tương lai của đất nước. Điều này đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn thôi thúc và ý chí cải cách lớn, quyết tâm đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường.
Từ “Opportunity” (Cơ hội) coi trọng việc tạo ra cơ hội thiết thực cho người có khả năng và khát vọng được đóng góp hết mình với ý thức ngàn đời của người dân Việt “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.”
Từ “Memory” (Ký ức) chỉ ra giá trị của việc khơi dậy những ký ức khó phai mờ về những kỷ niệm ở quê nhà và những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Từ “Engagement” (Khế ước) khẳng định sự cần thiết phải giao cho người được phát hiện là hiền tài những trách nhiệm và quyền hạn cụ thể, thôi thúc họ giúp nước vượt qua những khó khăn thách thức và hun đúc những giá trị cao quý mà xã hội kỳ vọng.
“Không quy trách nhiệm của ai thì cái gì cũng là của tập thể“
PV: Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội song không ít thách thức. Là người có nhiều năm công tác ở các nước phát triển và chuyên nghiên cứu về chính sách, theo ông, làm thế nào để những thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành hiện thực?
PGS Vũ Minh Khương:Để làm được việc này, thông điệp của Chính phủ cần được quán triệt sâu sắc trong mọi hành động, chính sách, và quyết định lớn. Trong nỗ lực đó, Chính phủ cần đặc biệt coi trọng cải cách thể chế và tạo sự đồng hành mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nỗ lực cải cách thể chế nên bắt đầu từ những bước đi khả thi và đơn giản trong ba lĩnh vực: minh bạch; trách nhiệm giải trình và sự tham gia giám sát của người dân. Trong các nỗ lực này, công nghệ thông tin cần được khai thác tối đa.
Chẳng hạn, về tăng sự minh bạch, trang web cung cấp thông tin về giá giao dịch của tất cả các căn nhà lô đất ở từng địa phương sẽ giảm thiểu đầu cơ và lạm dụng chức quyền ở địa phương này.
Trang web về nội dung chi phí của các dự án đầu tư công hoặc BOT trong so sánh với thông lệ quốc tế về suất đầu tư (chẳng hạn vào nhà máy lọc dầu hoặc đường cao tốc) để người dân tìm hiểu, so sánh hiệu quả đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở và doanh nghiệp nhà nước.
Trang web về kinh nghiệm quốc tế cung cấp các bài học hay về chính sách và chỉ số kinh tế - đầu tư của quốc tế trên mọi lĩnh vực giúp cán bộ và người dân mở rộng tầm nhìn và hạn chế tiêu cực. Chẳng hạn nếu các nước chỉ tốn 1-1,5 tỷ USD xây dựng 100 km đường cao tốc hiện đại thì nhà đầu tư Việt Nam phải cân nhắc rất kỹ khả năng giải trình trước khi quyết định đầu tư tới 2 tỷ USD cho dự án tương tự.
PV:Xin cảm ơn PGS./.
Thủ tướng dẫn lời Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi trong phát biểu nhậm chức