Cuối buổi chiều 26/6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu với Đại sứ Hugh Borrowman về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong việc giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp…
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao lập trường nhất quán của Australia, nhất là trước tình hình phức tạp hiện nay tại Biển Đông, trong đó ủng hộ mạnh mẽ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do thương mại và hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Về quan hệ hai nước, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Australia; đánh giá cao quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Australia hiện đang phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực.
Hợp tác thương mại – đầu tư có bước phát triển tích cực. Việt Nam là bạn hàng thứ 15 của Australia. Australialà bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và khá cao, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỷ USD vào năm 2013. Việt Nam đánh giá cao Australia đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, hợp tác an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo…
Đại sứ Australia cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Viêt Nam Nguyễn Thiện Nhân dành thời gian tiếp, chia sẻ về hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như các vấn đề hai bên quan tâm.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đại sứ Hugh Borrowman cho biết, 60% hàng hóa đi và đến Australia qua khu vực Biển Đông, vì vậy mọi xung đột, tranh chấp ở khu vực đều có thể tác động trực tiếp tới lợi ích của Australia.
Australia kêu gọi các bên kiềm chế, không gây hấn, sử dụng và tuân thủ luật pháp quốc tế, tuyên bố về chủ quyền một cách rõ ràng theo Công ước quốc tế và Luật Biển năm 1982./.