Nhận lời mời của Tổng thống CHLB Đức Joachim Gauck, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Đức từ ngày 24 đến ngày 26/11/2015.

ctn_1_npkm.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Đức duyệt đội danh dự.

11h trưa nay (25/11, giờ địa phương tức 17h giờ Hà Nội), lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang do Tổng thống Joachim Gauck chủ trì đã được tổ chức tại Lâu đài Bellevue - Phủ Tổng thống Đức. Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức đã tiến hành hội đàm. 

Tổng thống Joachim Gauck hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức lần đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tin tưởng rằng chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ song phương. 

Tổng thống Đức bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và châu Á gặp nhiều khó khăn. Tổng thống Đức khẳng định Đức coi Việt Nam ưu tiên hợp tác lâu dài và cùng có lợi với Việt Nam.

Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Đức cùng phu nhân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và những tình cảm tốt đẹp của Tổng thống và các bạn bè Đức dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Chủ tịch nước đã thông báo cho Tổng thống Đức về những định hướng phát triển lớn của Việt Nam trong thời gian tới về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức Joachim Gauck bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức có bề dày lịch sử và đã được nâng tầm lên Đối tác chiến lược vào tháng 10/2011 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Đức hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu trong nhiều lĩnh vực như thương mại, khoa học - công nghệ, hợp tác phát triển, môi trường, pháp luật, giáo dục và đào tạo nghề. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014; đầu tư của Đức tại Việt Nam cũng tăng hơn 70%, từ 824 triệu USD năm 2010 lên 1,41 tỷ USD hiện nay. 

Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc Việt Nam và Đức vốn có quan hệ gắn bó đã từ lâu đời, giờ đây, hai nước không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà còn là những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức nhất trí hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm tạo xung lực thúc đẩy mạnh mẽ và mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo bước vào Phủ tổng thống.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Joachim Gauck hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại đầu tư giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực. 

Hai nhà Lãnh đạo cho rằng Việt Nam và Đức đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư, phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2020 và đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, duy trì vị trí của Đức là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU sắp được ký kết. 

Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết sổ lưu niệm tại Phủ tổng thống.

Chủ tịch nước đã cảm ơn phía Đức duy trì cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng cho thành tựu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục cung cấp hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2017, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề, phù hợp với các chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hai nhà Lãnh đạo cũng vui mừng trước sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức nhất trí hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đưa Đại học Việt - Đức trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, đạt đẳng cấp quốc tế; nâng cao số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh sang học tập tại Đức; tạo thuận lợi cho các chương trình giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt tại hai nước và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao theo mô hình đào tạo nghề “song hành” của Đức.

Chủ tịch nước cho rằng, với lực lượng lao động dồi dào, trẻ và năng động, Việt Nam có thể hỗ trợ cho nhiều ngành nghề cần nhân lực ở Đức, đồng thời đề nghị các cơ quan hai bên tiếp tục triển khai Chương trình đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Đức và mở rộng chương trình hợp tác lao động sang các ngành nghề khác như nhân viên kỹ thuật trong bệnh viện, công nhân sản xuất trang thiết bị chấn thương chỉnh hình.

Tổng thống Đức đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Đức vào sự thịnh vượng của nước Đức, nhất trí với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang việc cần phải gìn giữ và phát huy tài sản chung quý báu này để cộng đồng người Việt tiếp tục đóng vai trò cầu nối gắn kết, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ trong tất cả các lĩnh vực.  

Hai nhà Lãnh đạo cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU; nhất trí tăng cường tham vấn, hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh biển. Việt Nam nhất trí ủng hộ Đức tăng cường quan hệ với ASEAN và ngược lại, Đức nhất trí ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đức tại Liên hợp quốc và ủng hộ Đức trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này mở rộng thành viên.

Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết sổ lưu niệm.

Về vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Joachim Gauck đã trao đổi và bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa châu Âu và châu Á. 

Tổng thống Đức cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, và các bên cần tìm kiếm mọi biện pháp giải quyết, trong đó có kênh đa phương nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không và bảo đảm an toàn, an ninh khu vực. 

Chủ tịch nước đánh giá cao lập trường của phía Đức về vấn đề biển Đông và đề nghị Đức tiếp tục có tiếng nói tích cực trong khối G7 và EU, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)./.