Sáng 5/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Tham dự có các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan, các đối tác phát triển của Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 |
Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 được tổ chức để Chính phủ lắng nghe các ý kiến nhận xét, đóng góp từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua (2011-2015) và những mục tiêu, định hướng cho Kế hoạch 5 năm tới (2016-2020), đặc biệt là những giải pháp đột phá mang tính chiến lược. Các ý kiến sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới trình Quốc hội.
Tại Diễn đàn, các đối tác phát triển đánh giá cao Chính phủ Việt Nam về những kết quả đạt được, nhất là trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nhiều kết quả quan trọng trong hội nhập quốc tế.
Các đối tác phát triển cũng phân tích những mặt còn hạn chế cũng như các thách thức về năng suất lao động, môi trường và tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; các ưu tiên quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như đề xuất nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, huy động nguồn tài chính phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực…
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề cập một trong những thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong 5 năm tới: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để triển khai các chương trình phát triển trong 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần và Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP trong 5 năm qua đang thể hiện xu thế giảm dần. Chính vì vậy, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra cũng cần sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA và đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn tư nhân…”.
Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đối tác |
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thiện chí, xây dựng và phù hợp của các đối tác phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: Mặc dù trong 5 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế xã hội quan trọng nhưng Chính phủ Việt Nam không chủ quan, thỏa mãn, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và các cơ hội thuận lợi để phát triển cũng như các thách thức không nhỏ trên con đường phát triển sắp tới. Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém và các thách thức trong phát triển, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn với 4 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn (6,5-7%/năm) trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống của người dân, lấy con người làm mục tiêu, làm trung tâm của sự phát triển; bảo vệ và cải thiện môi trường sống; đảm môi trường hoà bình ổn định, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện được 4 trụ cột này, Chính phủ Việt Nam nhất quán tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược liên quan đến hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thứ hai, tập trung phát triển triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng cho yêu cầu phát triển gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và khâu đột phá thứ 3 là có chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội, nguồn lực tư nhân cả trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ 5 nhóm giải pháp chủ yếu mà Chính phủ tập trung chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới, trong đó quan trọng đầu tiên là phải tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng gắn với tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam dứt khoát bảo đảm an ninh của nền tài chính quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, từ việc vay nợ cho đến sử dụng hiệu quả nợ công. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Bài học của 1 số quốc gia đổ vỡ từ bảo hiểm xã hội nên ngay từ bây giờ, chúng tôi đã và đang quan tâm đảm bảo an toàn lĩnh vực này”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo lập và phát triển các định chế kinh tế thị trường để vận hành hiệu quả |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo lập và phát triển các định chế kinh tế thị trường để vận hành hiệu quả, đồng bộ như thị trường đất đai, khoáng sản… theo hướng ngày càng dễ tiếp cận, bình đẳng, công khai, minh bạch, sử dụng có hiệu quả hơn nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển. Chính phủ đã, đang và tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế mà trọng tâm là kinh tế quốc tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung phát triển tốt hơn văn hoá, bảo đảm tốt hơn tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện tốt hơn đời sống của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc vào các chương trình phát triển của Việt Nam; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu chính đáng của người dân, quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống hành chính, tăng cường năng lực giải đáp, giải trình đối thoại thông qua phát huy quyền giám sát, phản biện của người dân và các tổ chức chính trị xã hội…
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các nhà tài trợ trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam./.