Đây là khẳng định của Đại sứ được bổ nhiệm của Việt Nam tại Thái Lan kiêm Trưởng đoàn Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) Phạm Việt Hùng tại Khóa họp thường niên lần thứ 80 của ESCAP hôm 25/4.

Phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Đại sứ được bổ nhiệm của Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng khẳng định, Việt Nam nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoàn thành đúng hạn Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

“Trong nỗ lực đó, Việt Nam đã lồng ghép Chương trình nghị sự 2030 vào các chiến lược phát triển quốc gia; triển khai hàng loạt chính sách về giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… và đã đạt được những tiến triển rõ rệt. Đặc biệt là trong xóa nghèo, đảm bảo nước sạch và vệ sinh, tiếp cận giáo dục chất lượng, đảm bảo bao phủ y tế phổ quát, tạo việc làm và tăng cường bao phủ của hệ thống an sinh xã hội, công nghiệp hóa, đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hòa bình, công lý và hoàn thiện thể chế”, Đại sứ Phạm Việt Hùng nói.

Đại sứ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững, tiếp tục là kim chỉ nam cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Đại sứ đề xuất cần tiếp tục áp dụng cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, với sự tham gia của các bên liên quan.

Ngoài ra, các quốc gia và vùng lãnh thổ cần ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới và cơ sở hạ tầng như những công cụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát huy vai trò của giới trẻ, đặc biệt thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Khóa họp thường niên thứ 80 của của ESCAP diễn ra từ ngày 22-26/4. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cùng nhiều lãnh đạo cấp cao và đại diện thường trực các quốc gia, vùng lãnh thổ tại ESCAP đã có các phát biểu.

Trong đó nhận định chung là thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô, như triển vọng tăng trưởng chậm và ở mức thấp, lạm phát và lãi suất tăng cao, tài khóa bị thắt chặt, thiếu hụt các nguồn quỹ công đầu tư cho phát triển bền vững và nhiều quốc gia đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nợ…

Nhiều giải pháp đã được đưa ra và thảo luận về gia tăng tính bền vững của nợ công; tăng cường tài chính bền vững để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.