Sau Lễ khai mạc, Hội nghị Bộ trưởng ASEM 12, diễn ra tại Luxembourg đã họp phiên chính thức đầu tiên về “Biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã có phát biểu và nêu sáng kiến của nước ta tại phiên họp.

thu_truong_bui_thanh_son_tai_hoi_nghi_asem_fsuj.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị ASEM 12.

Tại phiên họp, các thành viên ASEM đánh giá năm 2015 là năm then chốt hành động toàn cầu vì con người, hành tinh, sự thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, hoan nghênh các thỏa thuận toàn cầu như Chương trình nghị sự hành động Addis Ababa, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015 – 2030.

Hội nghị nhất trí thúc đẩy Đối thoại ASEM về Phát triển bền vững để chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, tăng cường hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, quản lý tổng hợp các lưu vực sông và kiểm soát nguy cơ lũ lụt, thúc đẩy hợp tác giữa các tiểu vùng Mekong– Danube nhằm giải quyết các thách thức về an ninh nước, lương thực và năng lượng vì phát triển bền vững và đồng đều.

Trước những thách thức nghiêm trọng và cấp bách do biến đổi khí hậu, như sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, các Bộ trưởng nhấn mạnh Á-Âu cần gia tăng hợp tác đề đạt một thỏa thuận toàn cầu mới, cân bằng về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 tại Paris sắp tới, bảo đảm đồng đều 6 trụ cột về giảm nhẹ phát thải, thích ứng, tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và minh bạch cũng như nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, theo hoàn cảnh quốc gia.

Các thành viên cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng cường tính tự cường trong ngăn ngừa, sẵn sàng ứng phó thiên tai, thúc đẩy xây dựng năng lực và ứng dụng công nghệ sáng tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và những nỗ lực hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đem lại động lực mới cho phát triển bền vững và tự cường.

Đây là lúc các thành viên ASEM cần hành động mạnh mẽ hơn, chung tay cùng cộng đồng quốc tế biến cam kết chính trị thành hành động cụ thể, thiết thực đáp ứng sự trông đợi của người dân và nâng tầm đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu.

Do đó, Trưởng đoàn ta đề xuất đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ với các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trong triển khai, ASEM cần có tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành, dài hạn gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành liên quan của ASEM. Việc triển khai định kỳ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” là sự thể hiện sinh động cách tiếp cận đúng hướng và tầm nhìn của ASEM.

Đồng thời, cần tiếp tục coi trọng hợp tác quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, như sớm thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin, các hệ thống cảnh báo sớm, ứng phó biến đổi khí hậu của ASEM và quốc tế để hỗ trợ nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai, năng lực thể chế và quản lý thiên tai; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, công nghệ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, giảm thiểu, phục hồi sau thiên tai.

Toàn cảnh Hội nghị ASEM 12.

Để đóng góp vào nỗ lực chung của ASEM, Việt Nam đề xuất sáng kiến mới tổ chức “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường” tại Việt Nam năm 2016 và được nhiều thành viên ủng hộ, tham gia đồng sáng kiến.

Trưởng đoàn Việt Nam đề xuất ASEM cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong ASEM cũng như với các cơ chế khác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững.

Trong đó, cần thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mekong– Danube, khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch, nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Romania.

Trưởng đoàn ta khẳng định là một quốc gia cung ứng nông sản hàng đầu thế giới song lại nằm trong số 10 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các thành viên ASEM khác, cam kết tiếp tục đóng góp vào mọi nỗ lực của ASEM nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai “vì một tương lai bền vững và an toàn”.

Hội nghị Bộ trưởng sẽ tiếp tục các hoạt động trong chiều 5 và ngày 6/11, trong đó có các phiên họp về “Kết nối và tương lai ASEM” và “Các vấn đề quốc tế và khu vực”./.