Trao cờ thêu sáu chữ vàng

Trường Sĩ quan Lục Quân 1 là ngôi trường đầu tiên của Lực lượng Vũ trang Nhân dân và của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 15/4/1945 theo Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ và chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự, chính trị là nòng cốt, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng 8.

thuong_ta_yigg.jpg
Thượng tá Nguyễn Công Thịnh chia sẻ về 2 lần thăm Trường Sĩ quan Lục quân 1 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Khánh

Ngay từ khi ra đời, nhà trường thường xuyên nhận được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người đã 9 lần về thăm trường và nhiều lần động viên khen ngợi. Trong những lần về thăm trường, Bác luôn dành thời gian kiểm tra, động viên bộ đội; thăm nơi ăn, chốn nghỉ của học viên, cán bộ, giảng viên. Người cũng dành rất nhiều tình cảm để căn dặn các thế hệ học viên của trường.

Trong cuộc giao lưu mới đây nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thượng tá Nguyễn Công Thịnh, Trưởng ban Thanh niên Trường Sĩ quan Lục quân 1 rất xúc động khi nhắc lại 2 lần Bác về thăm trường trong năm 1946. Lần đầu tiên là nhân dịp khai giảng khóa 1 của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn – nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 vào ngày 26/5.

Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn Hoàng Đạo Thuý đón nhận lá cờ thêu 6 chữ vàng của Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Bác đã trực tiếp trao cho trường lá cờ thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”. Người thân tình căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”.

Theo Thượng tá Nguyễn Công Thịnh, 6 chữ “Trung với nước, hiếu với dân” là tư tưởng đạo đức hết sức quan trọng, sâu sắc, là phẩm chất, là lẽ sống của con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết để giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thượng tá Nguyễn Công Thịnh dẫn lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn năm 1946 là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.

Lễ duyệt binh trong ngày khai giảng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ảnh tư liệu

“Đồng chí già nhớ các đồng chí trẻ” 

Lần thứ 2 Bác về thăm Trường Sĩ quan Lục quân là vào tháng 10/1946. Đây là vinh dự đặc biệt đối với các học viên khóa 1 của trường bởi Bác về thăm trường ngay sau khi vừa từ Pháp trở về. Người vui vẻ đùa: “Sau khi ở Pháp về, nhớ các đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thân mật căn dặn các chiến sĩ mấy điểm: “Một là phải kỷ luật. Hai là phải quần chúng hóa. Ba là phải trọng thực tế. Bốn là phải ham học, ham làm. 5 là quyết tâm chịu khó. 6 là không lúc nào được tự cho là đủ, không kiêu, không nịnh. 7 là phải đoàn kết, thân ái, tự phê bình và khuyến khích lẫn nhau”.

Như vậy, có thể thấy, đối với các học viên khóa 1 của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác luôn dành cho họ những tình cảm hết sức gần gũi “như cha với con”. Bác rất quan tâm đến quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ của trường cho quân đội trong giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Thượng tá Nguyễn Công Thịnh khẳng định: “Những lời Bác dạy đối với trường là niềm vinh dự, tự hào, là tài sản vô giá của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói riêng và của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói chung. Thấm nhuần lời dạy của Người, trên hành trình 70 năm phấn đấu và trưởng thành, trong thời chiến hay thời bình, Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”.

Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của trường, nhất là thế hệ trẻ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Xây dựng nên truyền thống vẻ vang: Trung hiếu, tiên phong, mẫu mực, quyết thắng. Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Học tập và làm theo lời Bác dạy: “Trung với nước, Hiếu với dân” là nhiệm vụ chính trị, trung tâm hàng đầu đồng thời là tình cảm đạo đức sâu sắc của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 1, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Để nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo lời Bác dạy, hơn lúc nào hết, những cán bộ, Đoàn viên thanh niên và sĩ quan trẻ của Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn tâm niệm phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tự giác rèn luyện trong thực tiễn, gần gũi với nhân dân, xác định đây chính là động lực, là mục tiêu phấn đấu để trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên như lời Bác từng căn dặn.

Khuôn viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay.

Sau hơn bảy mươi năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, đến nay, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã tổ chức đào tạo 86 khóa học, trong đó 82 khóa đã tốt nghiệp ra trường với trên 10 vạn cán bộ, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên. Cán bộ ra trường đều thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, phát huy tốt phẩm chất, năng lực trong chỉ huy chiến đấu và huấn luyện, quản lý bộ đội, đáp ứng kịp thời nguồn cán bộ chỉ huy cho các đơn vị.

Nhiều cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của trường đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc. Hơn 300 người đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, quân đội. 36 người được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động”.

Hàng nghìn cán bộ, giáo viên do trường đào tạo đã trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng các học viện, nhà trường trong toàn quân; hơn 34.000 học viên của các học viện, trường sĩ quan khu vực phía Bắc đã được học tập, rèn luyện tại trường. Hàng chục vạn lượt học sinh, sinh viên được bồi dưỡng kiến thức quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục quốc phòng của Đảng./.