Sau 2,5 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng, sáng 13/5, tại TPHCM đã bế mạc Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.

vov_bien_doi_khi_hau_1_jvdq.jpg
Tổng thư ký IPU Martin Chungong phát biểu bế mạc hội nghị.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thư ký IPU Martin Chungong bày tỏ sự hài lòng và cảm ơn Quốc hội Việt Nam, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức thành công hội nghị chuyên đề của IPU. Ngài Martin Chungong cho rằng, các đại biểu tham dự hội nghị đã đạt được sự thống nhất chung khi đề cập đến chương trình nghị sự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; nghị viện các nước đoàn kết, hợp tác với nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vai trò gắn kết với Chính phủ của mình để tiếp cận nhiều lĩnh vực và nguồn lực khác nhau.

“Sau hội nghị này, khi trở về các nghị sỹ sẽ đưa vào chương trình nghị sự trong hoạt động của mình để đảm bảo các vấn đề mục tiêu bền vững được đưa ra thực hiện một cách nhất quán. Các nghị sỹ trong phạm vi quyền lực của mình, với vai trò nhà lập pháp các nghị sỹ hãy nỗ lực hỗ trợ, đầu tư tìm cách cho thấy các Chính phủ có thể hành động thực hiện các mục tiêu SDGs. Các nghị sĩ mở rộng hơn nữa để nhất quán các cam kết để phát triển bền vững các mục tiêu trong khu vực” – Ngài Martin Chungong nói.

Tổng thư ký IPU cũng đã đưa ra thông điệp rằng, với tính khẩn cấp của biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể thụ động và cần có cách tiếp cận toàn diện nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên bế mạc.
Đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nghị sỹ, các chuyên gia góp phần tạo nên thành công của Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân.

Hội nghị chuyên đề đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, đảm bảo việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”.

Nghị viện có vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện (SDGs) trong việc xây dựng và hình thành các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt lần đầu tiên Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững do IPU và UNDP xây dựng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Quốc hội các nước cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu.

Toàn cảnh phiên bế mạc.
“Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững được ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết.

Kết quả Hội nghị chuyên đề này cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các nghị sỹ sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và những Nghị viện thành viên khác của IPU trong thời gian tới.

Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trân trọng cảm ơn tâm huyết, sự tham gia nhiệt tình của Ngài Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Ngài Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, các vị Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký AIPA, lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo TPHCM, các đại biểu, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để tổ chức thành công Hội nghị./.