Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện Chủ tịch huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gửi đơn lên Huyện ủy Long Điền xin nghỉ việc với lý do "có thiếu sót" trong chỉ đạo điều hành, một số nơi trong huyện chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nên vẫn còn phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng và trong khu phong tỏa. Tuy nhiên, sau khi được Tỉnh ủy động viên chia sẻ, Chủ tịch huyện Long Điền đã rút đơn và đi làm lại.

Chưa bàn đến chi tiết cán bộ này rút đơn, đi làm lại, tuy nhiên, qua việc ông Hùng chủ động xin nghỉ khi thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, có thể xem là dấu hiệu tốt của công tác cán bộ. Với những áp lực từ trên xuống, cán bộ tự nhận thấy trách nhiệm của mình trước các hoạt động công vụ, đặc biệt trong công tác chống dịch hiện nay.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, dấu hiệu này vẫn đang ở mức độ tự phát, do sức ép trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay quá lớn. Nhưng dù là cán bộ mới ở cấp huyện, khi thấy năng lực không đủ đảm đương xin thôi chức, từ chức là tốt.

Văn hóa từ chức, thôi chức phải trở thành quy chế

PV: Được biết vị cán bộ này sau khi được thuyết phục đã quyết định đi làm lại. Trong trường hợp cuộc chiến chống dịch của ta hiện nay, đòi hỏi phải “chống dịch như chống giặc”, mà lại thuyết phục cán bộ ở lại tiếp tục công việc khi họ tự thấy không đủ năng lực để tiếp tục chỉ đạo công việc, thì có nên không?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi là không tốt. Tôi suy luận rằng, lý do cơ quan cấp ủy thuyết phục cán bộ này ở lại có thể xuất phát từ bệnh thành tích, hình thức, chẳng lẽ lại để cán bộ cấp mình quản lý xin rút vì không làm được việc, dễ mang tiếng, cho nên mới thuyết phục, động viên ở lại. Cách làm đó là không vì lợi ích hiệu quả quản lý Nhà nước mà vì lợi ích của một số cá nhân lãnh đạo cấp ủy ở đó. Nhận thức như vậy theo tôi là không ổn, không thể vì danh nghĩa của cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình mà phải vì hiệu quả làm việc của bộ máy Nhà nước.

Người ta đã thấy mình không đủ khả năng đảm đương được công việc nên xin nghỉ mà “ép” họ ở lại là rất vô lý, có thể làm giảm hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cần những cán bộ quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng đã nhắc nhiều lần quan điểm này.

PV: Trên đây ông có nhắc tới vấn đề từ chức, từ vụ việc của Chủ tịch huyện Long Điền, ông có nghĩ sẽ mở ra “văn hóa từ chức”?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Câu chuyện văn hóa từ chức thời gian qua chúng ta đã nói đến nhiều, dư luận xã hội rất quan tâm bởi không ít cán bộ lãnh đạo không chỉ cấp huyện, mà các cấp cao hơn, không hoàn thành nhiệm vụ, dư luận cũng lên tiếng. Có những người có sai phạm rõ ràng, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành ở các cấp, nhưng chưa thấy ai từ chức, mà vẫn bao biện hay xin rút kinh nghiệm.

Theo tôi, nhìn từ góc độ thể chế cũng như công tác cán bộ, cần tính đến việc tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo ở các cấp khi người ta không đảm đương được nhiệm vụ, xin từ chức thì có một cơ chế rõ ràng. Công tác cán bộ của ta vẫn còn nhiều bất cập, phụ thuộc vào nhiều cấp, bổ nhiệm qua nhiều cấp, miễn nhiệm hay từ chức cũng phải theo một quy trình. Đồng ý, là quy trình bổ nhiệm cần phải rất chặt chẽ để lựa chọn được người tốt; nhưng quy trình miễn nhiệm hay từ chức nên nhanh chóng và theo đúng nguyện vọng cá nhân.

Văn hóa từ chức, thôi chức phải trở thành quy chế, một mặt cho người có nguyện vọng thôi giữ chức vụ thì có thể được đáp ứng cơ hội cá nhân một cách thuận tiện, nhanh chóng; mặt khác, phía cơ quan Nhà nước cũng chủ động và có cơ chế giải quyết rất nhanh để tạo điều kiện thay thế cán bộ khác đủ năng lực và tinh thần trách nhiệm để tiếp nhận vị trí đó.

PV: Có đại biểu Quốc hội nói rằng, đại dịch lần này là dịp rất tốt để đánh giá năng lực của cán bộ. Thực tế trong gần 2 năm chống dịch, không ít cán bộ đã bị miễn nhiệm, bị kỷ luật, phê bình do lơ là, thiếu trách nhiệm?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội này. Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi thấy số cán bộ bị đình chỉ công tác, bị phê bình, kỷ luật không phải nhiều, chưa trở thành cơ chế mà mới chỉ tập trung vào những con người cụ thể. Nếu không thành một cơ chế, quy định rõ ràng về vấn đề thôi chức, miễn nhiệm, thì rất có thể dẫn tới câu chuyện nhân dịp này để thanh lọc xuất phát từ động cơ nội bộ. Cán bộ mắc khuyết điểm nhưng chưa đáng cũng bị đưa ra để thanh lọc, như thế là chủ quan duy ý chí.

Vì thế, như tôi đã nói ở trên, dù muốn hay không, cần phải xây dựng được cơ chế miễn nhiệm và xin từ chức một cách kịp thời, hiệu quả từ cấp Trung ương xuống tới địa phương; đồng thời hãy trao quyền cho các cấp lãnh đạo có quyền này, để có thể chỉ đạo miễn nhiệm, cách chức cũng như tạo điều kiện cho người không đủ năng lực tự nguyện thôi chức. Có vậy mới tạo điều kiện để những người giỏi, dám chịu trách nhiệm, dám làm có cơ hội để tiếp quản, gánh vác những vị trí như vậy.

PV: Nếu cơ chế này ra đời, liệu rằng chúng ta có còn cán bộ để làm việc không, thưa ông?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Quan điểm này đã từng lan truyền trong dư luận nhưng nó không đúng. Các cụ xưa đã nói rồi, “nhân tài đất nước như lá mùa thu”, tìm không khó, vấn đề là phải có cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp. Với quy trình như hiện nay còn khá nặng nề, thậm chí hình thức, làm sao có thể chọn được những người dám nghĩ dám làm, đủ khả năng để đảm đương vị trí ở các cấp.

Câu chuyện ở đây là đừng nghĩ thiếu người làm, vấn đề là có chọn được người phù hợp đủ năng lực, tâm huyết và đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để đảm đương vị trí lãnh đạo hay không.

Cả cơ chế bổ nhiệm và miễn nhiệm đều khập khiễng, thiếu rõ ràng

PV: Vậy là quy trình hiện nay chưa đáp ứng được việc tìm ra những người tài trong xã hội?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Không chỉ ở ngoài xã hội, mà ngay trong các cơ quan công quyền cũng có rất nhiều người giỏi, nhưng họ không thăng tiến được. Vấn đề nằm ở công tác cán bộ, làm sao chọn được người giỏi, có bản lĩnh, chịu trách nhiệm là ở quy trình hiện nay vẫn còn rườm rà, hình thức, mang tính cục bộ, vì thế không có sự kiểm tra chéo, lắng nghe các luồng thông tin khác nhau về cán bộ. Hơn nữa là chưa có sự cạnh tranh công khai trong bổ nhiệm bởi công chức là những người kỹ trị, phải giỏi về chuyên môn và đủ bản lĩnh, vì thế mỗi cá nhân khi vào một vị trí nào đó họ phải có một đề án trình bày cách thức, đường hướng thực hiện nhiệm vụ đó.

Những người đứng đầu các cơ quan hành pháp cần phải có sự cạnh tranh, lựa chọn minh bạch, không để theo quy hoạch như hiện nay. Theo tôi những vị trí đó mà không được lựa chọn một cách công khai, minh bạch, thì làm sao có được những người giỏi về chuyên môn, đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm với cương vị đó.

Quay lại câu chuyện một bên là lựa chọn, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo và một bên là thôi chức, miễn nhiệm, hai cơ chế hiện nay chúng ta đều thiếu hoặc khập khiễng, không rõ ràng. Chính điều đó trong thực tế đã bộc lộ rõ ở một số địa phương hay bộ ngành có tình trạng cán bộ ở cấp thấp đến cao là người cùng một dòng họ, là người trong gia đình. Điều đó cho thấy "lợi ích nhóm" đã len vào công tác cán bộ rất rõ ràng, muốn xử lý không có cách nào khác ngoài 2 nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lựa chọn.

PV: Xin cảm ơn ông./.