Diễn đàn Quốc phòng đầu tiên giữa Mỹ và các nước ASEAN vừa kết thúc tại Hawaii, Mỹ, với trọng tâm là các biện pháp ứng phó với những thách thức an ninh và xử lý thảm hoạ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, trưởng đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn.

PV:
Đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức diễn đàn quốc phòng với các nước ASEAN. Việt Nam nhìn nhận sự kiện này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
:
Năm nay, đúng là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đến Hawaii để bàn về hợp tác an ninh phi truyền thống cũng như các biện pháp hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với Hoa Kỳ. Những diễn đàn trước hoặc chỉ có ASEAN với nhau hoặc có diễn đàn ASEAN + 8 gồm 18 nước, nhưng lần này chỉ có ASEAN với Hoa Kỳ và có thể gọi là ASEAN+1. Diễn đàn này là cần thiết nhưng làm sao phải giữ cho được vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm, vai trò động lực của ASEAN trong hợp tác với các đối tác bên ngoài khu vực. Và ASEAN phải làm sao để không để trở thành một công cụ đối đầu hay chia rẽ với các nước vì nếu như vậy thì không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, nên ASEAN phải giữ được đoàn kết, giữ được độc lập trong vai trò dẫn dắt, trong hợp tác với các nước bên ngoài mới là vấn đề quan trọng.

bo-truong-pqt.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh

 

PV:
Theo đánh giá của Bộ trưởng thì đâu là kết quả nổi bật của diễn đàn quốc phòng lần này?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
:
Theo tôi, quan trọng nhất là diễn đàn tạo ra một cơ hội rất cần thiết để Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN gặp nhau và trao đổi những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống và quốc phòng giữa các nước ASEAN với nhau cũng như giữa ASEAN với Hoa Kỳ. Các bên cũng đã bàn về những biện pháp hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai.

Đoàn Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước ASEAN nâng cao khả năng ứng phó thảm họa và cứu trợ thiên tai trong các tình huống cần thiết. Vừa qua, khi cơn bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines, các nước trong đó có Việt Nam đã hỗ trợ rất tích cực. Hay trong vụ máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích thì Việt Nam cũng rất tích cực và có trách nhiệm trong tham gia tìm kiếm cứu nạn. Chúng ta đã huy động tới 11 máy bay, 10 tàu các loại, cùng hàng nghìn tàu cá của ngư dân hoạt động trong 8 ngày đêm trên diện tích hàng nghìn cây số vuông, đồng thời cấp phép cho 5 quốc gia đưa máy bay và tàu chiến vào vùng lãnh hải cũng như không phận của Việt Nam để tham gia tìm kiếm.

Có thể nói, đây là một việc làm rất cần thiết vì bây giờ thảm họa thiên tai hay các vụ việc hàng không thường xảy ra mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được mà rất cần sự phối hợp, hợp tác với các nước trong ASEAN cũng như các nước bên ngoài ASEAN.

Các bên cũng nêu những vấn đề, chẳng hạn như trong trường hợp cần thiết thì nước chủ nhà phải có yêu cầu và các bên tích cực tham gia. Ngoài ASEAN, các nước khác trong đó có Hoa Kỳ cũng tích cực tham gia vào việc tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển, trong khả năng mà các nước có thể đóng góp được.

PV:
Biển Đông đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận trong những năm gần đây, vậy vấn đề này được đề cập đến như thế nào trong diễn đàn Mỹ-ASEAN, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
:
Đây là một vấn đề nổi cộm trong ASEAN. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã được bàn nhiều trong các hội nghị của ASEAN, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng. Lần này, nhiều nước cũng đề cập vấn đề này nhưng tựu trung lại vẫn là phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở trên khu vực Biển Đông, cũng như đảm bảo môi trường cho người dân được đánh cá trong vùng biển của các nước, đảm bảo an toàn trong phạm vi vùng biển của từng nước, và khi có tình huống xảy ra thì cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với nhau thật tốt.

Mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, tuyên bố 6 điểm của các nước ASEAN, và tôn trọng Tuyên bố của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC). Đó là giữ nguyên trạng, không mở rộng khu vực tranh chấp, lấn chiếm. ASEAN cùng với Trung Quốc phải tiến tới xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam luôn tích cực tham gia quá trình này. Chúng ta cùng Philippines thỏa thuận sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên đảo. Chúng ta là Song Tử Tây còn Philippines là Song Tử Đông, và 2 bên dự kiến sẽ giao lưu vào ngày 8 tháng 6 tới. Như vậy sẽ góp phần tăng cường xây dựng lòng tin, phòng ngừa xung đột và giảm căng thẳng.

Tôi nghĩ đó là biện pháp hòa bình và cũng là thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao các nước với nhau, đó là duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển ở khu vực.

Các nước ASEAN cũng đặt vấn đề là không chỉ có Mỹ mà còn Trung Quốc và các cường quốc khác đều có lợi ích rất lớn trên khu vực Biển Đông. Hàng ngày, ít nhất có đến 200 tàu container cỡ lớn, hàng trăm chuyến bay trên không phận của Biển Đông, hàng nghìn tàu cá của ngư dân các nước tham gia đánh bắt ở khu vực này, và các hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học… vì vậy rất cần môi trường hòa bình, ổn định.

Hoa Kỳ là một cường quốc cũng có lợi ích ở Biển Đông và trong chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ thì chúng tôi cũng nói đây là thực hiện lợi ích của họ là chính và Hoa Kỳ sẽ phải tham gia phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại ở khu vực này, đồng thời đóng vai trò tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông để đảm bảo an ninh, tự do hàng không, hàng hải và các hoạt động đánh bắt cá bình thường tại đây.

PV:
Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.