GS. TS Nguyễn Anh Trí là bác sĩ cao cấp thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, công dân thủ đô ưu tú. Hiện ông Nguyễn Anh Trí là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy của Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Ông Nguyễn Anh Trí là Chủ tịch Hội huyết học truyền máu Việt Nam; Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, Chủ tịch Hội rối loạn đông máu, Chủ tịch Hội Huyết học truyền máu TP Hà Nội. Tên tuổi của ông gắn liền với "Lễ hội Xuân hồng" hàng năm được tổ chức để huy động hàng chục nghìn đơn vị máu phục vụ công tác chữa bệnh cứu người.
VOV.VN phỏng vấn GS Nguyễn Anh Trí.
GS Nguyễn Anh Trí đã 14 lần tham gia hiến máu nhân đạo |
PV: Thưa GS Nguyễn Anh Trí, ông nhìn nhận thế nào về các vấn đề của ngành Y hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Trí: Tôi theo dõi tất cả các hoạt động của ngành y tế nói chung. Tôi là Viện trưởng một viện đầu ngành của Bộ Y tế, vì thế tất cả các lĩnh vực của ngành y tế tôi đều phải biết, chứng kiến và có thái độ. Qua theo dõi, tôi thấy lãnh đạo Bộ có những việc làm được và chưa làm được; có những việc làm rất tốt và có những việc chưa được. Xét trong tổng thể, có nhiều lý do chứ không phải do năng lực của một cá nhân.
Nhưng bất kỳ ngành nào cũng có những vấn đề riêng. Cá nhân tôi nhận thức được rằng, y tế bao gồm những vấn đề rất “nóng”. Vì y tế, bản chất là cuộc sống, là sinh mạng. Hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng có những vấn đề y tế được đặt lên bàn nghị sự như quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, y đức, dịch bệnh…
Đứng đầu Viện huyết học và truyền máu, tôi tập trung vào việc có đủ máu cho người dân sử dụng. Đến 2015, chúng ta nhận được 1,1 triệu đơn vị máu và qui đổi ra được khoảng 1,3% dân số. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu cho một quốc gia, lượng máu tiếp nhận được hằng năm tối thiểu phải bằng 2% dân số. Chúng ta còn thiếu khoảng 40% nữa mới đạt nhu cầu tối thiểu. Nhớ rằng, 40% của 90 triệu dân thì tương ứng mỗi năm có hàng vạn người vẫn đang trong tình trạng không có máu để chữa bệnh. Đây là một vấn đề lớn. Kinh nghiệm cho thấy, muốn đảm bảo lượng máu an toàn thì phải có sự vào cuộc của cả xã hội chứ không phải riêng ngành y. Điều quan trọng là phải có sự cam kết của Chính phủ để đảm bảo có máu cho dân dùng.
Bệnh tan máu bẩm sinh, cả nước ta có khoảng hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có 20.000 người bị bệnh nặng và rất nặng thường xuyên phải nằm viện. Để giữ được 20.000 người sống được, mỗi năm nhà nước phải tiêu tốn 2.000 tỷ đồng. Đây là bệnh bẩm sinh di truyền, mỗi năm nước ta có thêm 2.000 cháu bé như vậy, thoái hóa giống nòi của mình. Bệnh này chữa được và phòng được. Chính vì thế, phòng bệnh rất quan trọng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy phải có sự vào cuộc của cả xã hội, sự cam kết của Chính phủ mới ngăn chặn được. Nhiều nước đã ngăn chặn được, làm giảm tỷ lệ người mang gen bệnh, đặc biệt, có nước còn xóa được bệnh này, không có trẻ em sinh ra bị tan máu bẩm sinh.
Thứ ba là tế bào gốc. Không ai nghi ngờ nữa, tế bào gốc bây giờ là một thần dược, chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh sau đây chỉ có tế bào gốc mới chữa được: ung thư, bệnh tan máu… trong tương lai dùng để phát triển y học tái tạo (thay thế bộ phận cơ thể - ví dụ như bệnh nhân phải thay tim thì nuôi tế bào gốc để thành quả tim. Hiện nay, đã nuôi được tai và thay thế cái tai rồi).
Vấn đề quá tải bệnh viện hiện nay cũng rất nóng. Phải thừa nhận rằng, những năm vừa qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây, Bộ Y tế rất nỗ lực về chuyện này nhưng tôi cho rằng chưa đủ và cần có cách làm khác. Trong đầu tôi đã có nghĩ tới giải pháp.
Vấn đề thuốc: phải đảm bảo thuốc tốt cho người bệnh, thuốc gia, hoa hồng trong kê toa, đấu thầu thuốc… phải có chiến lược mới dẫn dắt được.
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí luôn trăn trở vì người bệnh. |
Bảo hiểm y tế: Ở Việt Nam tỷ lệ người có BHYT là 68%, đây là một thành công lớn. Tôi phải khẳng định là có BHYT bệnh nhân của tôi mới được điều trị. Mỗi lần điều trị phải vài chục triệu và nhiều bệnh khác cũng như vậy. BHYT rất lợi, cần phải tiếp tục thúc đẩy, nhưng rõ ràng có những vấn đề làm cho BHYT vướng mắc, đó là chuyển bảo hiểm (thông tuyến huyện, mệnh giá bảo hiểm, trần bảo hiểm…). Các vấn đề này phải làm thông thoáng để người dân có BH thụ hưởng tốt hơn, công tác khám chữa bệnh dễ dàng hơn để người dân thụ hưởng dịch vụ ấy.
Tôi cũng quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc cấp phép cho các cơ sở được đào tạo ngành y. Đây là một nghề rất nhạy cảm, liên quan đến sinh mạng của nhân dân. Vấn đề không phải đầu tư mấy trăm tỷ là được đào tạo ngành y, mà phải có các điều kiện đặc biệt, ví dụ như bệnh viện thực hành, thầy giáo giỏi, những nhà giáo tâm huyết. Ngành y phải là ngành khó nhất, cao nhất, dù thời điểm này lương của bác sĩ chưa cao nhưng thi vào ngành y rất khó.
PV: Ông có thể chia sẻ lý do ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội?
Ông Nguyễn Anh Trí: Từ lâu lắm rồi tôi muốn trở thành đại biểu Quốc hội, tôi không giấu giếm diều đó và tôi đã phấn đấu không mệt mỏi trong suốt thời gian qua để khẳng định mong muốn của mình.
Đến tháng 9 tới tôi tròn 59 tuổi và tôi sẽ nghỉ hưu theo đúng qui định của Nhà nước chứ không xin ở lại thêm. Như vậy, quỹ thời gian để làm việc Quốc hội, nếu may mắn trúng cử, là rất nhiều. Thứ nữa là về học vấn, thực tiễn… tôi tích lũy được khá nhiều. Cho nên, đến thời điểm này tôi thấy rất chín muồi.
PV: Vậy trong quá trình tự ứng cử ông có gặp phải khó khăn gì không?
Ông Nguyễn Anh Trí: Rất may mắn là tôi không gặp bất cứ khó khăn gì cho tới thời điểm này. Ngày 16h30, ngày 13/3 tôi đến nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Các cán bộ ở Ủy ban bầu cử TP Hà Nội (điểm tiếp nhận hồ sơ số 1 Hoàng Đạo Thúy) tiếp nhận hồ sơ rất có trách nhiệm, hướng dẫn chu đáo.
Tôi nhận được sự ủng hộ của gia đình, cơ quan.
Việc lấy ý kiến cử tri ở nơi mình làm việc và nơi cư trú cũng rất thuận lợi. Tôi nhận được sự ủng hộ rất cao của các đồng nghiệp và các cử tri nơi tôi sinh sống. Tôi đã vào hiệp thương vòng 3 và tôi được biết là tôi được 100% phiếu.
PV: Ông có thấy áp lực không?
Ông Nguyễn Anh Trí: Tôi không áp lực nhiều. Tôi rất mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội, giống như đi thi phải đỗ. Nhưng không áp lực vì tôi ứng cử ĐB Quốc hội không phải để thăng tiến. Cá nhân tôi chỉ suy nghĩ là mình có đóng góp được gì cho xã hội. Nếu trở thành ĐB Quốc hội mình sẽ đóng góp hiệu quả hơn, sát thực hơn, tiếng nói của mình được nhiều người chú ý, lắng nghe và nếu may mắn thì trở thành điều luật. Trở thành điều luật thì mang lại hiệu quả xã hội rất lớn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!