Chiều 10/6, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội làm việc tại hội trường với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Các chất vấn tập trung vào vai trò của quản lý của Nhà nước đối với các công trình giao thông cơ bản; đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM; phát triển giao thông nông thôn.

Sẽ phân cấp quản lý, giám sát các công trình giao thông

Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) chất vấn về việc thời gian qua, có nhiều công trình giao thông vừa làm xong đã sạt lở, đoạn đường vừa làm xong đã hư hỏng. Nguyên nhân vì sao và trách nhiệm của Nhà nước và Ban Quản lý dự án đối với các công trình giao thông như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng, tiến độ của các dự án công trình, dự án giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án vừa đưa vào khai thác đã phải sửa chữa, khai thác.

Nguyên nhân là do công đoạn tư vấn thiết kế chưa sâu sát, sang bước thiết kế còn khiếm khuyết về bản vẽ thi công. Nguyên nhân còn ở nhà thầu công trình. Các doanh nghiệp xây dựng hàng năm hoạt động có lợi nhuận nhưng chưa bù được tiến độ luỹ kế. Năng lực tài chính, trình độ tổ chức giám sát còn nhiều hạn chế. Vai trò của Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát còn yếu  cho nên việc phát hiện, kiểm soát những hư hỏng còn chưa rõ ràng, chưa quyết liệt, chưa đồng bộ. Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng các công trình giao thông.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng các công trình giao thông, Bộ đã phân cấp cho các chủ đầu tư dự án, trực tiếp quản lý nhiều dự án quan trọng. Việc phân cấp này nhằm giúp cho Bộ tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát đầu tư, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các công trình giao thông.

Ngoài ra, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát thực hiện những công trình giao thông trọng điểm có quy mô lớn. Còn đối với những dự án nhỏ, Bộ sẽ giao cho các địa phương, đơn vị chức năng thực hiện.

Xây dựng đường sắt cao tốc theo phương thức BOT là không khả thi

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) hỏi về việc quản lý nguồn vốn ODA và được Bộ trưởng cho biết, việc quản lý vốn ODA đã được thực hiện đúng quy trình theo thông lệ quốc tế. Các hồ sơ của dự án trong những năm gần đây đều được quản lý sát sao. Tuy nhiên, có những dự án ODA quản lý chưa chặt chủ yếu là từ năm 1995 đang được Bộ Giao thông-Vận tải xem xét lại.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn vay ODA cho thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) chất vấn: Nếu dự án được Quốc hội thông qua nhưng phía Nhật Bản không thông qua nguồn vốn vay ODA cho Việt Nam thì Bộ Giao thông sẽ chỉ đạo huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Cho đến nay, chúng ta chưa lựa chọn đối tác cụ thể nào để thực hiện dự án. Tuy nhiên, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội lựa chọn đối tác nào có công nghệ hợp lý, nguồn vốn phù hợp với khả năng chi trả của Việt Nam. Như vậy, ngoài đối tác là Nhật Bản như đề xuất thì trong quá trình nghiên cứu, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn đối tác khác có thể cho vay vốn với khả năng chi trả của đất nước.

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải cũng nhận được ý kiến của một số đại biểu về thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc bằng phương thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao). Về phương thức này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, xây dựng đường sắt cao tốc bằng phương thức BOT là phương án rất hay. Hiện nay, chúng ta chỉ áp dụng phương thức BOT để xây dựng những tuyến đường vừa và nhỏ, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu công nghiệp, dịch vụ để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiến hành thi công công trình. Còn đối với việc xây dựng đường sắt cao tốc, mà chỉ qua hình thức thu phí, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không sử dụng phương thức BOT để xây dựng. Đây là phương án hay nhưng không khả thi để thực hiện đối với những dự án xây dựng lớn như đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM.

Sớm đưa Giao thông nông thôn là chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến: Giao thông nông thôn là chương trình lớn, huy động nguồn vốn của nhân dân rất nhiều. Nhiều cử tri kiến nghị đưa việc xây dựng giao thông nông thôn là chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết căn bản giao thông tại những địa phương, vùng, miền khó khăn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Bộ Giao thông-Vận tải đã đưa ra kế hoạch phát triển Giao thông nông thôn đến năm 2020. Trong đó có chương trình để cho tất cả các xã đều có tuyến đường hoàn chỉnh; chương trình giao thông ở những địa phương, vùng miền khó khăn và chương trình giao thông ở những vùng kinh tế đang phát triển. Theo đó, đến năm 2010, chúng ta phấn đấu có 50-60% số tuyến đường được nhựa hoá, bê tông hóa; 80% đường giao thông nông thôn được sửa chữa, bảo dưỡng; 100% tuyến đường giao thông đều đi lại được vào 4 mùa; xoá các cầu khỉ, cầu tạm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giao thông-Vận tải cũng đang tham mưu với Chính phủ về việc đưa Giao thông nông thôn là chương trình mục tiêu quốc gia.

Về vấn đề Quốc lộ 1A ngày càng xuống cấp, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Đường Quốc lộ 1A đi qua khu vực miền Trung luôn phải gánh chịu những cơn bão, lũ rất mạnh. Mỗi đợt mưa lũ, con đường Quốc lộ này thường xuống cấp nên việc tu sửa, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn và rất tốn kém so với việc duy tu, bảo dưỡng những tuyến đường khác. Vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải đã huy động nhiều nhà tài trợ trong và ngoài nước để bảo dưỡng lại Quốc lộ 1A.

Về thời gian thực hiện thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn bày tỏ rằng, đây là nhiệm vụ chưa thực hiện được. Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được chuẩn bị cho đến nay được 10 năm. Cho đến nay, chúng tôi đã thu xếp được nguồn vốn và Bộ Giao thông-Vận tải đang báo cáo với Chính phủ cho phê duyệt đầu tư sớm. Nếu được phê duyệt, cuối năm 2010, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ cho bàn giao việc giải phóng mặt bằng cho các địa phương thuộc vùng dự án để đến năm 2011 tiến hành thi công đường cao tốc.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, có 20 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và đã có 17 lượt đại biểu được trả lời chất vấn. Các chất vấn gồm những nội dung cụ thể, bám sát với tình hình giao thông của nước ta hiện nay. Phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã đi sát vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Sáng 11/6, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát./.