Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 đến các cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính – xã hội các cấp. Qua đó, nhận thức trong toàn Đảng bộ và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử tiếp tục chuyển biến sâu sắc. Trước tiên, đó là nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành, tiếp tục bổ sung hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử của thành phổ như: Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968...

Thành uỷ đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng với tổng số là 59 ấn phẩm sách. Bên cạnh các bộ sách, từ năm 2018 đến năm 2022, trong các dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử, Thành uỷ TP. HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm và sau đó được in và phát hành sách với các tựa sách tiêu biểu như: Lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm (xuất bản năm 2018), Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh một hành trình vĩ đại (xuất bản năm 2021),…

Thành phố có 22/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 281/312 phường xã thị trấn biên soạn và xuất bản công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1975 và từ 1975 đến nay.

Mỗi quận huyện đều có những di tích lịch sử. Do đó, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống định kỳ tại các quận, huyện bằng các hoạt động như tổ chức các chuyến tham quan, tìm hiểu lịch sử trên địa bàn của quận mình,… Ngoài ra còn có các hoạt động phong phú khác phù hợp với từng đối tượng như: Tổ chức hoạt động nhân các ngày lễ, kỉ niệm lớn, tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hằng tuần tại trường học, tổ chức đi thực tế, giới thiệu di tích lịch sử, các cuộc thi. Đặc biệt là đưa các nội dung lịch sử Đảng bộ TP.HCM, các quận, huyện, TP. Thủ Đức vào chương trình giảng dạy các lớp đối tượng đảng, sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị.

Tuy vậy, trong việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác bố trí nhân sự, một phần do công tác tuyên giáo không có biên chế cho chuyên ngành lịch sử Đảng. Một số quận, huyện chậm xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, chương trình giáo dục lịch sử trong nhà trường vẫn xem lịch sử là môn phụ, chưa hứng thú với học sinh,…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí Thư Thành uỷ đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện và khắc phục những bất cập đặt ra trong tình hình hiện nay. Làm sao để công tác biên soạn tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ngày càng tốt hơn, phù hợp từng đối tượng, nhất là thế hệ trẻ. Có những nội dung chỉ đạo để nhân dân hiểu đúng bản chất của lịch sử và kiên trì thực hiện công tác này./.