Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21/10 - 22/10/2022. Chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (1977-2022).
Dự kiến, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ có chương trình làm việc dày đặc trong thời gian thăm chính thức Việt Nam.
Trong này hôm nay, sau khi đặt chân tới Việt Nam, dự kiến, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sẽ diễn ra hội đàm chính thức giữa Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Chiều 21/10, ông António Guterres sẽ dự Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam-Liên Hợp Quốc, chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong thời gian thăm chính thức Việt Nam, Ngài António Guterres sẽ thăm Tổng cục Khí tượng Thủy văn; thăm Tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; thăm Hoàng thành/Bảo tàng Lịch sử; dự tiệc trà do Chủ tịch nước chủ trì. Ngài cũng sẽ dành thời gian nói chuyện với đại diện thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên Hợp Quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc trong 45 năm qua.
Chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên Hợp Quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên Hợp Quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hoà bình và phát triển trên thế giới.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên Hợp Quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người./.