Ngày 18/10 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

tbt_4_opah.jpg  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa- Thể thao &Du lịch đã triển khai nhiều công việc quan trọng trên các mặt công tác xây dựng đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Bộ đã ban hành 6 chương trình trọng tâm; chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; phối hợp tham mưu trình Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), kiểm điểm tập thể 76 cấp ủy trực thuộc và hơn 2.500 đảng viên, từng bước tập trung giải quyết những hạn chế, yếu kém; thường xuyên nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng; bồi dưỡng lý luận chính trị cho gần 1.800 quần chúng ưu tú và 1.500 đảng viên dự bị; tiến hành 144 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên; kỷ luật 20 đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng.

 

Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch đã lãnh đạo thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong các lĩnh vực quản lý ngành tiếp tục được tăng cường. Trong lĩnh vực văn hóa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được nâng cao về chất lượng nghệ thuật, năng lực tổ chức, kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và cả nước. 

Trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, 145 bảo tàng lưu trữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật, có 20 di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, 67 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; phong trào thể dục thể thao quần chúng cũng phát triển sâu rộng với hơn 27% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Thể thao thành tích cao đạt có chuyển biến tích cực. Du lịch cũng đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2013 đạt hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế và 32,5 triệu khách nội địa, đóng góp 6% GDP cả nước, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã phát biểu làm rõ những kết quả và hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch liên quan tới việc xây dựng thể chế; tăng tỷ trọng đầu tư cho văn hóa, giáo dục thể chất cho người Việt Nam và thể thao thành tích cao; về xây dựng gia đình Việt Nam; về cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của ngành. Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng thực tế cuộc sống và sự phát triển của văn hóa đặt ra những yêu cầu rất cao về quản lý Nhà nước, đòi hỏi Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phải tăng cường, chú trọng công tác quản lý. Đầu tư cho văn hóa phải lựa chọn để phát huy hiệu quả cao nhất. Cần coi trọng xây dựng gia đình để thực sự là cái nôi giáo dục con người, nhân lên những giá trị tốt đẹp của gia đình và phê phán những việc làm phá hoại văn hóa gia đình.

  Tổng Bí thư tặng Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: văn hóa thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội. Những năm gần đây, cùng với kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển khá nhanh, khá mạnh về quy mô, về số lượng và các lĩnh vực hoạt động như: thông tin truyền thông, các lễ hội, festival, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa ở nông thôn, thành thị, gia đình, du lịch, thể thao; giáo dục, các ngành khoa học; quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Nhiều mặt đạt chất lượng tốt. 

Tuy nhiên, trên bước đường phát triển đi lên, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lĩnh vực văn hóa gặp phải nhiều vấn đề mới, làm đảo lộn bao nhiêu nếp suy nghĩ, nếp làm việc, nếp sống. Văn hóa chưa đáp ứng kịp với nhịp độ phát triển, chưa đáp ứng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân, chưa tương xứng với vị thế của ngành. Nhất là các giá trị văn hóa, nhân cách, đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư đặt vấn đề hiện nay kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện nhưng dường như đời sống tinh thần lại xuống cấp. Phải chăng là do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về văn hóa? Do chưa quan tâm đầy đủ việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng để thực hiện? Do bố trí cán bộ chưa đúng, trình độ chưa đủ tầm? Do chưa có cơ chế huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển văn hóa? Do thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên? Do thiếu sự phối hợp liên ngành một cách hợp lý? Hay do cộng hưởng của tất cả các yếu tố đó?. Tổng Bí thư đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương với vai trò tham mưu phải lý giải được những vấn đề này.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nghị quyết của Đảng về các vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao, gia đình đã có rồi. Vấn đề quan trọng là phải tổ chức chỉ đạo thực hiện sao cho tốt nhất. Tổng Bí thư yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch và các cấp, các ngành phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết 33 (khóa XI) với nhiều điểm mới…. Trọng tâm phát triển văn hóa là con người và môi trường văn hóa để phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Lần này, văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường. 4 trụ cột để phát triển bền vững. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Do đó, nhận thức của Đảng ta phải trở thành nhận thức của toàn dân, của từng người thì mới có thể vào được cuộc sống. Trước hết là các cơ quan quản lý nhà nước.

Tổng Bí thư yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cần đặc biệt coi trọng khâu thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng thành luật pháp, cơ chế, chính sách; cụ thể hóa thành các Nghị định, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Thực tế đây là khâu chúng ta làm chậm trong triển khai thực hiện các Nghị quyết.

Tổng Bí thư nhắc nhở cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Cán bộ làm văn hóa phải có tâm, có tầm, có đạo đức, có trí tuệ, tiêu biểu là người có văn hóa. Cần huy động nguồn lực cho phát triển thông qua xã hội hóa, đồng thời có chính sách đặc thù cho ngành. Trong lĩnh vực văn hóa, cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương để tạo sự liên thông. Ngành phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc một cách thường xuyên, quyết liệt; quan tâm hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa, du lịch, thể thao.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phải làm thật tốt công tác xây dựng nội bộ gồm xây dựng đảng, xây dựng cơ quan, xây dựng con người làm văn hóa. Đây là khâu then chốt, quyết định để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư mong muốn những người làm văn hóa phải sống có văn hóa, làm việc có văn hóa. Đây là cơ quan văn hóa thì phải là mẫu mực trên mọi phương diện./.