Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm các đồng chí tham gia Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm và Tiến sĩ Bùi Trường Giang, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định cho các đồng chí tham gia Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tại Đại hội XIII của Đảng, công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trực tiếp là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, với yêu cầu cao: "Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước."
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, để phục vụ cho nhiệm vụ to lớn ấy, Hội đồng Lý luận Trung ương phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham vấn về lý luận chính trị, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Căn cứ vào Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Thường trực Hội đồng phải xây dựng và triển khai kế hoạch tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để kịp thời xây dựng các báo cáo tư vấn; tổng kết, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm kết luận những vấn để thực tiễn đã chín, đã rõ; xây dựng các chuyên đề lý luận có chất lượng để phục vụ chương trình nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sớm triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng các cơ sở khoa học và thực tiễn, làm tốt công tác tư vấn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống và phục vụ cho việc hoạch định đường lối của Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu phải gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Với xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người là chủ thể phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần chủ động, thể hiện tốt vai trò là đầu mối phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy địa phương, các cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị cả nước trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi, nghiên cứu lý luận chính trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương giao.
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.