Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bên cạnh những chỉ đạo, quyết định mang tính chiến lược của Bộ Chính trị, Khu ủy Khu 9 và Tỉnh ủy Vĩnh Long thì sự đồng lòng ủng hộ, đóng góp sức người, sức của của nhân dân Vĩnh Long đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công. 

vov_mau_than_mqfk.jpg
Công viên tượng đài chiến thắng Mậu Thân tại tỉnh Vĩnh Long.
Vĩnh Long được xem là cửa ngõ vào miền Tây với nhiều tuyến giao thông chiến lược với các con sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít, sông Tân Dương...Vì vậy, Khu ủy Khu 9 đã chọn Vĩnh Long làm trọng điểm 2 ở miền Tây Nam bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Trong khi đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xác định giữ vững chiến trường Vĩnh Long là giữ được thế phòng ngự chiến lược cho Sài Gòn, cắt giao thông và chi viện miền Tây Đông và Sài Gòn của ta. Vì vậy, địch đã cho xây dựng sân bay trực thăng cơ động, tập trung nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, nhiều binh đoàn chiến đấu như: hải quân, thiết giáp, pháo binh, 40 tàu chiến các loại và gần 22.000 binh lính chủ yếu đóng tại thị xã Vĩnh Long.

Ngày 27/1/1968, Khu ủy Khu Tây Nam bộ nhận mật lệnh Tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Và ngày 28/1/1968, Ban Chỉ huy Mặt trận Cửu Long, gồm hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh được thành lập và hạ quyết tâm: “thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh; vừa đi vừa chạy - vừa chạy vừa củng cố đội hình; vừa ăn vừa bàn bạc, bảo đảm nổ súng đúng ngày giờ”.

Là người trực tiếp vận động và tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Nghị cho biết: Trước chiến dịch, mọi công việc phải chuẩn bị chu đáo từ hậu cần, vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm, với tinh thần quyết tâm cao nhất - giành thắng lợi lớn nhất. Đặc biệt là sự đóng góp về sức người, sức của cho tiền tuyến, sẵn sàng, chủ động bước vào chiến dịch với khí thế quyết chiến, quyết thắng. 

“Tham gia chiến dịch để giải phóng quê hương khỏi nô lệ. Gia đình của mình đã bị nô lệ rồi, nếu không làm thì cũng chết. Cha hy sinh, mẹ là chiến sĩ, gia đình toàn là cách mạng, lớp hy sinh, lớp còn, cho nên tôi phải tham gia giải phóng cho bằng được” – bà Nghị cho biết.

Trở lại cống Miễu Trắng, ấp 11, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long sau 50 năm kể từ khi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Văn Ba còn nhớ như in hình ảnh của những năm chiến trường đỏ lửa. Trong đó, bản thân ông là một trong những người được phân công tiếp nhận những đóng góp của nhân dân để phục vụ chiến dịch.

Ông kể, sau cuộc vận động tuyên truyền thì người dân ai cũng hăng hái tham gia ủng hộ từ nhu yếu phẩm đến tiền, vàng cho chiến dịch mà không cần ghi tên tuổi hay số lượng. Xã Mỹ Lộc lúc bấy giờ thật sự là nơi tập kết vũ khí, thuốc men, lương thực...

Ông Nguyễn Văn Ba nhớ lại: “Cống Miễu Trắng là nơi tập kết của các nơi trong huyện phải gom chuyển về đây, vận chuyển đưa về chiến trường vùng thị xã tỉnh Vĩnh Long. Chiến dịch Mậu Thân rầm rộ, dân công hỏa tiễn gom ở đây khoảng 500 đến 1.000 người. Một ngày vận chuyển nhu yếu phẩm lên vùng thị xã, thứ hai vận chuyển về súng đạn, có thương binh cũng vận chuyển cho về đây chở về Trà Vinh, con đường này cũng như đường mạch máu”.

Ông Nguyễn Bách Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: Nhân dân Vĩnh Long đã góp phần vào thành công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Chiến dịch này, quân ta đã tiêu diệt sinh lực địch và chiếm được sân bay Vĩnh Long, làm chủ thị xã Vĩnh Long trong 6 ngày đêm; đồng thời làm chủ bến phà Mỹ Thuận và cắt đứt đường giao thông huyết mạch của địch suốt 22 ngày.

Theo ông, điều quan trọng nhất mà trong bài học kinh nghiệm mà ta cũng đã tổng kết đó là ý Đảng phù hợp với lòng dân. Sự kìm kẹp đã qua khổ, chết chóc cũng quá nhiều nên người dân muốn vùng lên để giải phóng gông cùm nô lệ. Chính điều này hợp lòng dân, người dân sẵn sàng tham gia, kể cả những gia đình đưa cả người con cuối cùng tham gia kháng chiến, bán nhà để ủng hộ cho kháng chiến. “Tinh thần ấy là bài học về ý Đảng lòng dân, một bài học cho tới bây giờ chưa bao giờ cũ” – ông Nguyễn Bách Khoa cho biết.

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 toàn tỉnh Vĩnh Long có gần 9.500 người tham gia phục vụ công tác hậu cần, dân công hỏa tuyến và nuôi chứa cán bộ tham gia chiến dịch. Hơn 8.000 hộ gia đình đã tham gia đóng góp về sức người sức của cho chiến dịch. Riêng ở huyện Tam Bình, đã có hàng nghìn thanh niên hăng hái tòng quân. Nhiều người mẹ nuốt nước mắt vào lòng, tiễn người con cuối cùng của mình đi dân công hỏa tuyến./.