Tại buổi làm việc, các đại biểu đóng góp ý kiến thiết thực, nhằm góp phần vào công tác xây dựng Văn kiện Đại hội XIV, trong đó tập trung chủ yếu vào đánh giá khái quát về sự phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay; làm rõ bối cảnh phát triển mới, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra; xác định định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.

Đồng thời đề xuất các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ban Kinh tế Trung ương trong việc tập trung làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và trong thời gian qua đã tích cực tham gia tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với việc tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục chủ động, ưu tiên tham vấn, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Không chờ đợi, lần này chúng ta cần có sự đổi mới trong cách làm, tham vấn ngay từ trong quá trình xây dựng, chuẩn bị văn kiện chứ không phải chờ đến lúc có dự thảo văn kiện. Bởi vì, Ban kinh tế Trung ương là một cơ quan tham mưu vô cùng quan trọng, đóng góp cho Bộ Chính trị về quan điểm, chủ trương, cụ thể hóa văn kiện các nội dung về phát triển kinh tế- xã hội".

Ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung vào những vấn đề lý luận, thực tiễn mới mang tầm quan điểm, định hướng chiến lược, chú trọng đến các vấn đề như: động lực và nguồn lực cho phát triển; việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương để tổng hợp, báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.