Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 14-17/9/2014. Sáng nay (15/9), lễ đón chính thức Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch.

Về quan hệ đầu tư giữa hai nước đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA (Ấn Độ) thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng

Quan hệ hữu nghị truyền thống được hai nước dày công vun đắp

Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại quán tại New Dehli. Ngày 7/1/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.

Hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp, hai nước thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (7/2007). 

Năm 2011, quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đã được cụ thể hóa trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó hai bên đã ký 7 thỏa thuận hợp tác song phương. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (4/2012), hai bên đã ký 9 văn kiện hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học, thay đổi khí hậu, Ấn Độ học, Việt Nam học, trao đổi sinh viên và giảng viên. Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ (11/2013), hai nước đã ra Tuyên bố chung và ký kết 8 Thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh việc trao đổi các đoàn cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua như: Cơ chế ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ về khoa học, kỹ thuật và văn hóa, giáo dục, gọi tắt là UBHH (họp luân phiên 2 năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao); Cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (cho đến nay hai bên đã tiến hành họp được 6 phiên); Cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao (đến nay hai bên đã tiến hành họp được 3 lần. Lần gần đây nhất là tháng 4/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tiến hành họp đối thoại chiến lược tại New Dehli). 

Quan hệ kinh tế-thương mại, hợp tác tiếp tục có bước phát triển vượt bậc

Bên cạnh những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ chính trị, đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Kim ngạch thương mại tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại song phương 5 năm qua tăng bình quân 16%/năm, riêng năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD (tăng 32% so với năm 2012) và nhiều khả năng sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2015; hướng tới mục tiêu đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác như: cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cà phê; hóa chất; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại; than đá; hạt tiêu; xơ, sợi dệt các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm chất dẻo; giày dép các loại; sản phẩm hóa chất; hàng dệt may...

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu; dược phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; kim loại thường khác; hóa chất; sợi dệt các loại; sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dược phẩm; ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô; vải các loại; thuốc trừ sâu...

Về quan hệ đầu tư giữa hai nước đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA (Ấn Độ) thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Ẩn Độ hiện có 73 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 273 triệu USD (tính đến tháng 5/2014). 

Trong quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh... thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất). Ngoài ra, Ấn Độ đã mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại thành phố Đà Nẵng; Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng và đang thúc đẩy mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội trong năm 2014.

Về hợp tác văn hóa, hai nước đã gia hạn Chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2012 hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Tháng 3/2014, Đại sứ quán Ấn Độ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức Tuần lễ Festival Ấn Độ tại Việt Nam với nhiều hoạt động như Lễ hội ẩm thực, lễ Phật giáo, giao lưu nghệ thuật... Ngoài ra, để tăng cường giao lưu hợp tác giữa nhân dân hai nước, Việt Nam và Ấn Độ cũng đang xúc tiến mở đường bay thẳng. 

Về hợp tác tài chính, hai bên tích cực thực hiện các hiệp định tài chính đã ký kết trước đây Những năm gần đây, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án thủy điện Nậm Chiến; hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Trong 3 năm qua, Ấn Độ dành cho Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 19,5 triệu USD; trong đó trên 10 triệu USD cho Dự án Thủy điện Nậm Trai 4 (Sơn La). Hiện hai bên đang thảo luận các điều khoản về khoản tín dụng 100 triệu USD Ấn Độ dành cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hợp tác khai thác dầu khí từ năm 1988. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này có hiệu quả và được hai nước đánh giá cao. Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ (10/2011), hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về thăm dò, khai thác năng lượng dầu khí trong đó Ấn Độ kiên trì thực hiện các dự án thăm dò và khai thác tại các lô dầu khí có tiềm năng của Việt Nam.

Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt. Bộ Quốc phòng hai nước đã nhất trí tiến hành cơ chế họp Đối thoại an ninh-quốc phòng ở cấp Thứ trưởng từ năm 2003. Cho đến nay, hai bên đã tổ chức được 8 phiên họp.

Ngoài ra, hai nước cũng đã thỏa thuận, ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận, bảo ghi nhớ về các lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nông nghiệp, đi lại của công dân hai nước; Hiệp định về dẫn độ, nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, hợp tác về khai thác dầu khí...

Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Việt Nam lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai bên sẽ cùng rà soát việc triển khai các kết quả đạt được trong các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011 và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013; đề ra các phương hướng tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.