Sáng 30/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã chủ trì Hội nghị thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên. 

Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả cũng như bất cập trong việc triển khai thực hiện công văn 588, kế hoạch thực hiện Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ và các cơ chế chính sách đặc thù của khu vực.

tay_nguyen_tdhn.jpg 

Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị khẳng định qua 5 năm qua, đã có 83 đề án được triển khai tại các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, với tổng vốn giải ngân là 366 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống điện, các công trình nước sạch, thủy lợi, hỗ trợ máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và các chế độ đại ngộ cán bộ y tế, giáo dục…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công văn số 588 vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều địa phương lúng túng trong triển khai vì chưa có văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan. Đáng chú ý, hiện vẫn còn 8 huyện thuộc 4 tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Phước chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách này. Từ đó, hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mang lại chưa cao.

Bà Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Đề án thủy lợi và thủy lợi nhỏ không được bố trí, cho nên địa phường phải lồng ghép từ các chương trình 30a, 135 và các chương trình khác, dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao. Về cơ sở giao thông thì hiện nay nhu cầu rất là lớn nhưng nguồn vốn để hỗ trợ cho chương trình này và đối với công văn số 588 vẫn chưa thực hiện được.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian phân tích, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên và 21 huyện miền núi giáp Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ. 

Mục tiêu là đảm bảo đến năm 2020 có trên 85% cán bộ chuyên trách và trên 95% công chức cấp xã ở Tây Nguyên và một số huyện miền núi giáp Tây Nguyên đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Về định hướng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, sẽ chú trọng hướng phát huy các sản phẩm lợi thế của vùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng an ninh.   

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: để đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần sớm có kế hoạch rà soát, tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách đã ban hành trên địa bàn, đồng thời khẩn trương nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách sát với yêu cầu thực tế của khu vực, nhất là cần tăng cường hỗ trợ các địa phương các điều kiện thiết yếu để phát huy lợi thế của mình.

Đại Tướng Trần Đại Quang cho rằng, cần hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa, trong đó ưu tiên phát triển cây công nghiệp dài ngày, nghiên cứu xây dựng chính sách đồng bộ về sản xuất, tiêu thụ cà phê, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện liên kết vùng, trọng tâm là liên kết sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Đồng thời, phối hợp liên kết ban hành những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại; Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, gắn khoa học công nghệ với sản xuất và xây dựng các thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong thị trường nội địa và quốc tế. Ngoài ra là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống và nâng cao trình độ sản xuất của nông dân./.