Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Mông Cổ, sáng nay (14/7, theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mông Cổ - Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mông Cổ - Việt Nam |
Cùng dự có Bộ trưởng một số Bộ, ngành cùng hơn 100 doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Với một nước hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thương mại, du lịch của Mông Cổ đến Việt Nam, để hai bên cùng có lợi, cùng làm giàu trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư tại Diễn đàn, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn lớn, nhưng thực tế chưa tận dụng tốt tiềm năng này. Kim ngạch thương mại hai nước mới đạt khoảng 175 triệu USD.
Ông Ganbaatar Khuyag- Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Mông Cổ cho biết, Mông Cổ đang có sự chuyến biến mạnh mẽ, đã chuyển đổi 80% doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp tư nhân. Hiện các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội để hợp kinh tế thương mại với thế giới, trong đó có thị trường tiềm năng là Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Theo ôngGanbaatar Khuyag, thành phố Ulanbato những năm gần đây có nhiều bước chuyển mình, nhiều công trình xây dựng, cầu đường đang được chú trọng xây dựng nên nhu cầu xây dựng gia tăng. Qua sự trao đổi với các doanh nghiệp hai nước, có thể thấy nhiều doanh nghiệp thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh hai nước.
Trong đó, Mông Cổ tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu thịt, và có thể kết hợp được một số doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Ngoài ra doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực khác. Ông Ganbaatar Khuyag cho rằng, rào cản hiện nay là giao thông. Nếu khai thác được các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ thì sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp và người dân hai nước trong hoạt động thương mại và du lịch.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ hai nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương mại-đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới |
Đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là vận tải, cho nên ngoài đường hàng không, có thể tính tới việc vận chuyển bằng đường sắt, quá cảnh qua Trung Quốc. Cùng với đó, Chính phủ hai nước cần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề thanh toán thông qua hợp tác giữa các ngân hàng hai nước.
Về một số cơ hội đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước, ông Vũ Tiến Lộc, cho biết: “Hôm qua, chúng tôi có ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn giới chủ của Mông Cổ để tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại đầu tư. Đồng thời thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam – Mông Cổ để tập hợp những doanh nghiệp có tiềm năng hợp tác với nhau. Đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giữa hai bên”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước chỉ đạo của Thủ tướng, làm thế nào để Việt Nam trở thành kho dự trữ về nông sản, thực phẩm nhiệt đới cho Mông Cổ.
Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã chấp thuận để 4 công ty của Mông Cổ xuất khẩu thịt chín, thịt đông lạnh sang Việt Nam. Còn theo Bộ Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ thì nước bạn cũng đang tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, khi tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại, kết nối giao thông quốc tế để thuận lợi hơn cho việc thông thương hàng hóa, trong đó có việc thông thương hàng hóa với Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ hết sức tốt đẹp, nhưng hợp tác thương mại và đầu tư chưa tương xứng.
Hợp tác thương mại - đầu tư giữa Mông Cổ và Việt Nam phải giúp doanh nghiệp hai nước cùng làm giàu. Nêu rõ, tiềm năng thế mạnh của mỗi nước còn rất lớn chưa được khai thác đúng mức, Thủ tướng cho biết Chính phủ hai nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương mại-đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Giới thiệu về thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là thị trường lớn với trên 90 triệu dân, có tổng GDP trên 200 tỷ USD. Hiện Việt Nam có khoảng 21.000 nhà đầu tư nước ngoài với số vốn trên 300 tỷ USD. Việt Nam quan hệ thương mại, đầu tư với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia 13 Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam còn là thành viên chủ chốt của ASEAN với trên 600 triệu dân và là 1 trong 12 thành viên sáng lập TPP, dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh:“Khi Mông Cổ đặt chân vào Việt Nam là đặt chân vào cửa ngõ của ASEAN. Các nhà thương mại, doanh nghiệp nên có tầm nhìn xa hơn để mở rộng thương mại chứ không chỉ riêng Việt Nam, dù Việt Nam có nhiều tiềm năng. Việt Nam có nhiều mặt hàng nổi tiếng có thể xuất khẩu vào Mông Cổ như nông sản, thực phẩm, hải sản, hàng điện tử… Ngược lại Việt Nam muốn đầu tư vào Mông Cổ trong lĩnh vực khai khoáng, công nghệ, du lịch và một số lĩnh vực khác”.
Việt Nam có sản phẩm hàng hóa phong phú, có thể cung cấp cho người dân Mông Cổ các sản phẩm cà phê, cà chua, dưa chuột, gạo trong 20 năm liên tục. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể cử những đội xây dựng lành nghề nhất để sang xây dựng tại Mông Cổ.
Thách thức còn lại là khoảng cách địa lý, vận tải khiến chi phí cao, Chính phủ hai nước sẽ bàn bạc, phối hợp với các nước để tháo gỡ vấn đề này. Bên cạnh đó, Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp tính đến vận chuyển bằng hàng không nếu có sản phẩm tốt, chất lượng cao và có hiệu quả cao./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ