Chiều 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Viettel. Đánh giá cao thành tích mà Tập đoàn đạt được, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như Viettel.

Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, lãnh đạo một số bộ, ngành.  

hieu5768_bvrz.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Tập đoàn Viettel đón Thủ tướng tới thăm, làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel báo cáo với Thủ tướng về những thành tựu phát triển trong lịch sử gần 30 năm qua của Tập đoàn.

Theo đó, Tập đoàn đã đầu tư và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường quốc tế, sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng, trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.

Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp vũ khí công nghệ cao, công nghiệp an ninh mạng… Chỉ riêng hai ngành công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn.

Viettel cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công, đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đó là thiết bị đầu cuối, mạng truy nhập, mạng lõi và cung cấp dịch vụ như: trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước….

Thủ tướng nhấn mạnh, Viettel là một thí dụ điển hình về một doanh nghiệp Nhà nước, nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, hệ thống quản trị tốt...
Tập đoàn đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7 và vinh dự được Đảng và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ an toàn thông tin cho các bộ, ban, ngành.

Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông toàn cầu, tăng trưởng từ 10-15%/năm, thuộc Top 10 công ty viễn thông toàn cầu; doanh thu từ 350.000 - 400.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà Tập đoàn Viettel đạt được thời gian qua; đã nỗ lực và đã thành công để trở thành một tập đoàn về công nghệ thông tin và công nghiệp quốc phòng. Tập đoàn đã làm chủ công nghệ hiện đại và hướng đến những công nghệ tiến bộ nhất của thế giới. 

Viettel cũng đã trở thành doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin với số lượng thuê bao kỷ lục; trở thành một tập đoàn quốc phòng kinh tế lớn nhất, kinh doanh hiệu quả nhất, thể hiện ở cả ba chỉ số là lợi nhuận, nộp ngân sách và giá trị thương hiệu. Đến nay, Viettel là doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất cả nước; tiên phong và đứng đầu trong việc hình thành nền công nghiệp an ninh mạng ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Viettel là một thí dụ điển hình về một doanh nghiệp Nhà nước, nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, hệ thống quản trị tốt, cán bộ được lựa chọn đúng, đặt trong môi trường cạnh tranh, cơ chế động lực tốt thì sẽ phát huy hiệu quả tốt. Và Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như Viettel.

Thủ tướng nhấn mạnh, Viettel đã minh chứng cho vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Cho rằng Việt Nam muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì phải phát triển công nghệ, Thủ tướng nêu rõ, Viettel là thí dụ điển hình khích lệ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam và Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng này ở nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Viettel. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bày tỏ ấn tượng về văn hoá và tinh thần Viettel, Thủ tướng cho rằng, điều đó thể hiện rõ trong hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Tập đoàn cũng đã chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi.

Viettel thành công là nhờ có khát vọng lớn, có hệ thống quản trị hiện đại, liên tục mở rộng không gian mới, bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho Viettel phát triển.

Về nhiệm vụ của Tập đoàn trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần xây dựng Viettel trở thành Tập đoàn nổi tiếng mang tầm khu vực như khẩu hiệu“đuổi kịp, đi cùng, vượt lên" của Tập đoàn. Cùng với đó là bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ thương hiệu quốc gia; làm tốt công tác dự báo, phân tích và quản trị tốt rủi ro.

Cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn cần đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 và lan tỏa ra các lĩnh vực khác, kể cả sản phẩm dịch vụ an ninh mạng. Tập đoàn cần sản xuất công nghệ cao và làm chủ công nghệ hiện đại nhất.

Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn chú trọng xây dựng mô hình tổ chức Tập đoàn phẳng, thông minh, có cơ chế quản lý hiện đại, hiệu quả, linh hoạt, chuyên nghiệp, hướng tới khách hàng, duy trì sự khác biệt. Với quy mô tập đoàn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần có sự tinh gọn và hiệu quả hơn nữa. Tập đoàn cần tăng cường đoàn kết, kỷ luật kỷ cương, không chủ quan trước những thành tích đạt được.

Về một kiến nghị của Viettel, tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp, lấy ý kiến các bộ ngành trình Thủ tướng xem xét quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là đổi mới cơ chế quản lý để giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho Viettel phát triển./.