Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp và cơ quan hai nước đã cùng nhau trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước sang trang mới thành công hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết, hai nước là những đối tác tự nhiên của nhau, nhất là trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Bà cũng đề nghị hai nước và cộng đồng doanh nghiệp tận dụng hiệu quả, thiết thực nhất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo về cuộc hội đàm chân thành, cởi mở và hiệu quả với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte trong buổi sáng cùng ngày. Thủ tướng cho rằng, hai nước có mối "lương duyên" trong lịch sử. Trong 50 năm qua, Hà Lan đã có bước tiến rất dài, trải qua 3 giai đoạn phát triển: Nông nghiệp và các nghề thủ công; công nghiệp gắn với đô thị hóa; giai đoạn hiện nay là đổi mới sáng tạo gắn với đô thị thông minh.
Về phần mình, trong 50 năm qua, Việt Nam từ một nước trải qua nhiều năm chiến tranh, cấm vận đã tiến hành công cuộc đổi mới, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Vốn FDI thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 673 tỷ USD, xuất siêu 10,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, nên một diễn biến nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn tới trong nước. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam cũng còn một số vấn đề nội tại cần tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những nền tảng quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước. Theo đó, sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển trên tất cả lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất dựa trên sự chia sẻ lợi ích toàn diện, thành quả hợp tác, tình hữu nghị được vun đắp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Lan là nước có nhiều kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia EU đầu tư vào Việt Nam, cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu. Nhiều mặt hàng của Hà Lan rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, như bia Heineken, sữa Cô gái Hà Lan.
Về phần mình Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, có quan hệ đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, đây là yếu tố rất quan trọng với các nhà đầu tư.
Thủ tướng kỳ vọng sau chuyến thăm, trên những nền tảng nói trên, quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với các vấn đề mang tính toàn cầu mà không nước nào có thể tự mình giải quyết, trong đó có vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; đồng thời, Việt Nam là nước đang phát triển nhưng phải làm việc như các nước phát triển, nên Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển cho Việt Nam, các nhà đầu tư vào Việt Nam được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền công nghiệp năng lượng sạch, phát huy được tiềm năng rất lớn về điện gió, điện mặt trời.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan yên tâm đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
"Tôi rất mong các nhà đầu tư Hà Lan thấu hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, từ đó rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, điều chỉnh những vấn đề cần thiết. Đầu tư thì có lúc lỗ, có lúc lãi, nhưng về tổng thể có lãi là được. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các bạn những lúc khó khăn, cùng tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư… Nếu chúng ta thiện chí và quyết tâm thì việc gì cũng có thể giải quyết được, trên cơ sở "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân", Thủ tướng nói.
Thời gian tới, với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác đầu tư – thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam – Hà Lan, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ đối tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ quan hai nước đặc biệt trong lần này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký văn bản hợp tác với Viện tạo giống cây trồng Đại học Wageningen Hà Lan về chương trình hợp tác dài hạn trong đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống nghiên cứu và cung cấp giống cây trồng chuyên nghiệp cho Việt Nam nhằm phát triển ứng dụng công nghệ sinh học và chọn tạo giống cây trồng giá trị cao, ứng phó với biến đổi khí hậu; ký với Hiệp hội Hợp tác kinh Doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam thoả thuận hợp tác đào tạo, đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ; ký với tập đoàn giáo dục nghề nông nghiệp Lentiz của Hà Lan thỏa thuận hợp tác về đào tạo thực hành nghề nông nghiệp thông minh cho hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân./.