Đây là thông tin được lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết tại buổi gặp gỡ trao đổi thông tin chiều nay 5/11, tại Hà Nội.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, năm nay, diễn đàn tiếp tục được tổ chức nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho việc xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới của đất nước giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn sẽ tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; tương lai kinh tế toàn cầu sau đại dịch; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và đề xuất về mô hình, định hướng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 10 chủ đề chính bao gồm: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Bối cảnh hiện nay, thế giới cũng đặt lại vấn đề là cách tiếp cận công nghiệp hóa hiện đại hóa phải khác so với giai đoạn tiếp cận trước đây, khi mà nó có sự tác động rất mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 Những vấn đề vấn đề tự lực tự cường của các quốc gia thì đặt lại vấn đề là nhìn nhận lại quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa sẽ tiếp cận mới như thế nào? Chúng tôi tổ chức diễn đàn năm nay có 1 phiên tổng thể và 10 hội thảo chuyên đề, phiên tổng thể tổ chức sau cùng vào ngày 6/12”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thông tin.

Dự kiến, trong khuôn khổ diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động “Triển lãm ảo” các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Triển lãm năm nay sẽ được phân chia thành các khu vực trải nghiệm công nghệ sẽ đem đến cho khách tham dự cơ hội được trực tiếp sử dụng công nghệ thực tế ảo, tương tác và giao lưu với các Robot thông minh. Bên cạnh đó, song hành với hội thảo và triển lãm là hoạt động “Kết nối đầu tư công nghệ”, qua đó, mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số./.