Doanh nghiệp thẳng thắn phản ánh nhiều vấn đề vướng mắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề: “Đồng hành cùng doanh nghiệp” được tổ chức sáng 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau một năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, lần gặp thứ 2 này để bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới để có sự bứt phá trong sự phát triển doanh nghiệp. Do đó Chính phủ mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp. 

thu_tuong__ezdg.jpg
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đại diện nhiều doanh nghiệp đã rất thẳng thắn phản ánh về những vấn đề vướng mắc như chi phí không chính thức; khó tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn; không nên đầu tư bệnh viện tư trong bệnh viện công; kiến nghị giải pháp phát triển du lịch; các giải pháp phát triển thị trường bất động sản; vấn đề tiếp cận điện năng; vấn đề tiếp tục thực hiện các cam kết TPP; các khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực; các vấn đề về thuế, phí, cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước...

Ông Nguyễn Văn Thảo - Giám đốc công ty TNHH phân bón Việt Mỹ chia sẻ: “Hôm nay tham dự Hội nghị Thủ tướng đồng hành với doanh nghiệp, là điều rất phấn khởi, trở thành động lực đối với các doanh nghiệp như chúng tôi để hoạt động và đặt lòng tin Chính phủ và chính quyền địa phương. Chắc chắn sau hội nghị hôm nay, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo cụ thể và mong rằng giao trách nhiệm hệ thống quản lý hành chính thực thi các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ đề ra đối với doanh nghiệp”.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân lại nêu thực trạng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy....

“Điều này dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn thực hiện thì phải “đi đêm”, “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Hiện tượng này tương đối phổ biến. Thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ”. Một số doanh nghiệp để thay thế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh nên đã chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để có được lợi thế trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên buộc phải “chi ngầm” để được việc” – ông Thân cho biết.

Cho rằng việc xây dựng bệnh viện tư trong bệnh viện công có thể dẫn đến những tiêu cực, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho rằng, cần sửa đổi quy định liên quan đến vấn đề này.

“Chúng ta không nên cho phép xây dựng bệnh viện tư trong khuôn viên của bệnh viện công. Vì đây là hậu quả trong tương lai, trong vấn đề tham nhũng, gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Mỗi một tỉnh có bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ bóp chết hàng chục bệnh viện tư khác. Thay mặt cho Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, theo tôi, nên có chính sách khuyến khích để nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này, chia sẻ quá tải cho bệnh viện Nhà nước” – ông Đệ bày tỏ.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là điểm sáng, không chỉ là thị trường tiêu thụ mà là trung tâm sản xuất của thế giới với lợi thế nhân công rẻ. Tuy vậy về lâu dài cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực để nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó là tiếp tục tham gia TPP.

“Chính phủ đã thực hiện rất quyết liệt trong quá trình tham gia TPP, hiện chưa biết tương lai của TPP ra sao, nhưng những cam kết để thực hiện TPP của Chính phủ chúng tôi vẫn kiến nghị tiếp tục thực hiện. Bởi vì những cải cách này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của Việt Nam sắp tới” – ông Hải nói.

Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ”

Ngay tại hội nghị này, trực tiếp lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu cả nước đã giải đáp một số vấn đề doanh nghiệp nêu. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu thực tế, các doanh nghiệp nói rất nhiều về tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chất. Vì vậy, Thủ tướng cho biết sẽ ban hành ngay một Chỉ thị giải quyết tình trạng này.

“Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây” – Thủ tướng tuyên bố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ theo hướng xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh… 

Nhìn lại một năm qua, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Chính vì vậy mà so với hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM, tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều.  

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 50 Nghị quyết, Nghị định nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các Bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tích cực thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công. Các chi phí về đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… có xu hướng giảm qua các năm. Chính phủ cũng đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương.

Với những nỗ lực đó đã giúp xử lý và bãi bỏ 4.500 thủ tục. Trong gần 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được trên 77%. Năm 2016, đã có trên 110.000 doanh nghiệp mới thành lập. Riêng 4 tháng đầu năm nay đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp. 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cao hơn một số nước trong khu vực.

Còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của  doanh nghiệp và Chính phủ đã nhận diện được những rào cản này. Đó là trong thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí, sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề.

Theo Thủ tướng: “Để sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng, mất thời gian của doanh nghiệp. Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. Tinh thần các vị nêu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu, để xây dựng thể chế, chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp thông lệ quốc tế”.

Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề thuế, phí cao mà doanh nghiệp nêu ra. Trong đó có những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ cần lưu ý giải quyết tình trạng thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính; giá thuê đất còn cao, giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn, vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức...

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu tình trạng tiếp cận tín dụng dụng còn khó khăn; việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, chúng ta mới có trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan trên 30% và Malaysia trên 45%.

Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc, lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp vào cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt. Đầu tiên là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Trong đó, Chính phủ sẽ có giải pháp giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. Có đồng chí đề nghị tôi năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ then chốt tiếp theo là Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và một trong những điểm Thủ tướng lưu ý là tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

“Đồng thời việc đó, chúng ta xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu, nếu chúng ta không đưa ra vấn đề này thì sẽ tiếp tục lạc hậu. Nhân nói về xây dựng thương hiệu sản phẩm, tôi muốn nói với quý vị một ý, chúng ta nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới, lại là đồng bào của mình, từ đó đủ sức tiến lên từng bước, chiếm lĩnh thị trường với nhiều sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Ở trong nước, chúng ta nói "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao", bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" – Thủ tướng gợi mở.

Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, Thủ tướng nhắn nhủ doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam./.